Văn hoá

Youtuber Thơ Nguyễn xin vía "Búp bê ma": Loạn quá rồi!

Mới đây, YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải clip "xin vía" búp bê Kumathong nhận sự phẫn nộ của nhiều khán giả. Có người cho rằng, cô đang truyền bá mê tí dị đoan...

Mới đây, Youtuber Thơ Nguyễn đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng khi đăng tải video "xin vía" búp bê Kumathong cho học sinh học giỏi. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong (1 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người- PV).

Youtuber Thơ Nguyễn đang bị dư luận lên án vì hành vì truyền bá mê tin dị đoan.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, búp bê Kumathong còn có tên gọi khác là “cậu bé vàng” và có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan. Theo các nguồn thông tin, búp bê Kumathong được tạo ra bằng việc dùng xác các thai nhi, mạ vàng bên ngoài và yểm bùa chú. Khi mang những búp bê này về nuôi và chăm sóc như người thật thì người nuôi sẽ được giúp đỡ, tạo sự may mắn trong công việc, tình cảm, cuộc sống.

Để minh chứng sự tồn tại của các linh hồn trong các búp bê này, “bài tủ” được người bán đem ra quảng cáo phần nhiều là chuyện khả năng tự uống sữa và nước của búp bê. Những người bán này dùng các ống nhựa dài cắm vào các loại đồ uống và niệm bùa chú, các bài kinh cúng, khấn để Kumathong có thể uống nước và sau đó nước tự chảy ra.

Lợi dụng lòng tin của người dân, búp bê Kumathong đang được rao bán với rất nhiều hình thức khác nhau. Chỉ cần một cú click chuột vào các trang phong thủy, người mua sẽ có thể dễ dàng đặt mua Kumathong, thậm chí còn có cả dịch vụ giao hàng tận nhà.

Đáng chú ý hơn, búp bê Kumathong còn được nhiều tài khoản Facebook sử dụng để hành nghề mê tín dị đoan trên mạng xã hội. Và Thơ Nguyễn đang bị chỉ trích dữ dội khi cô dùng "búp bê ma" để quảng bá kênh sóng riêng cho mình.

Hình ảnh trong clip gây tranh cãi của Thơ Nguyễn trên mạng xã hội.

Nhiều người bày tỏ lo lắng bởi đoạn video có thể gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ. Dù đã lên tiếng đính chính mình không hề nuôi búp bê Kumanthong mà chỉ là búp bê thường nhưng Thơ Nguyễn vẫn đang nhận không ít chỉ trích từ cư dân mạng, nhiều người cho rằng, Youtuber này bao biện, việc cô thỉnh vía "búp bê ma" là đang truyền bá mê tín dị đoan, "đầu độc" giới trẻ, học sinh.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nghệ sĩ Chiến Thắng cho hay: "Xem clip của Youtuber Thơ Nguyễn xin vía búp bê Kumathong mà tôi thấy "lạnh sống lưng". Từ bao giờ mà một người "sống nhờ" cộng đồng mạng lại công khai truyền bá mê tí dị đoan như vậy? Loạn quá rồi. Tôi được biết kênh Youtube của Thơ Nguyễn có nhiều em nhỏ theo dõi, nếu các em học theo thì chúng ta sẽ hỏng cả một thế hệ. Tôi mong rằng, mỗi người hãy dùng mạng xã hội một cách văn minh, đúng luật. Nếu là các Youtuber nổi tiếng thì hãy xây dựng cho mình một kênh thông tin "sạch sẽ", có sự giáo dục".

Nói về Thơ Nguyễn, nhà văn hóa Lê Ngọc Thọ (trường đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy giật mình khi xem clip Thơ Nguyễn "thỉnh" Kumathong để... xin vía. Đó là tư duy lệch lạc và không đúng với văn hóa Việt Nam. Nếu clip không bị cắt ghép thì đúng là cô gái này đang truyền bá mê tín dị đoan, điều mà chúng ta đang bài trừ và không nên có trên các trang dành cho giới trẻ.

Mạng xã hội hiện nay tràn lan những clip có nội dung độc hại mà chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nếu trẻ nhỏ mà tiếp cận, các em sẽ có cách hành xử và lối sống dị biệt, thậm chí học theo thì sẽ rất nguy hiểm. 

Trẻ nhỏ chưa đầy đủ nhận thức và chưa thể phân tích được các nội dung về mặt lý tính nên dễ dàng làm theo. Nhiều nghiên cứu về mặt tâm lý đã chỉ ra rằng, hầu hết trường hợp này đều trong tâm trạng cô đơn, luôn muốn tìm kiếm sự thừa nhận và muốn khẳng định bản thân. Vì vậy, chúng ta hãy hành động, cần loại bỏ những thông tin độc hại, những clip "bẩn" này ra khỏi mạng xã hội vì không ai ủng hộ những tư duy sai lệch như Thơ Nguyễn đang thể hiện".

Thơ Nguyễn từng tốt nghiệp trường đại học Luật TP.Hồ Chí Minh.

"Nên tẩy chay kênh Youtube, Tiktok của Thơ Nguyễn. Bản thân Chiến Thắng không bao giờ cho các con xem những clip độc hại như vậy. Tôi sẽ cho các con xem hài, nghe nhạc để các con sống văn minh chứ không cho xem video "kiểu Thơ Nguyễn" - Nghệ sĩ Chiến Thắng tâm sự.

Thơ Nguyễn tên thật là Nguyễn Hồng Thơ, sinh năm 1992, đến từ Bình Dương. Cô tốt nghiệp trường đại học Luật TP.Hồ Chí Minh với tấm bằng cử nhân Luật.

Trước khi được biết đến với các video trên YouTube, Thơ Nguyễn là chủ một shop thời trang ở TP.HCM. Sau đó, cô bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất các video trên YouTube hướng tới các đối tượng trẻ em, với các nội dung mang tính giải trí như review đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, hướng dẫn làm đồ chơi handmade, các thử thách vui nhộn,…

Kênh YouTube Thơ Nguyễn ra đời vào năm 2016. Video đầu tiên được đăng tải nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các bạn nhỏ và các bậc phụ huynh.

Hiện tại, kênh YouTube Thơ Nguyễn đã sở hữu 8,74 triệu lượt người đăng ký, là 1 trong 7 kênh có lượng người đăng ký khủng nhất Việt Nam. Chất giọng của Thơ Nguyễn cùng nội dung đa dạng, phong phú là một trong những điểm lôi cuốn các em nhỏ vào xem kênh YouTube của cô.

Với gần 6 tỷ lượt xem và trung bình 1,2 triệu lượt xem/video, mức thu nhập của Thơ Nguyễn từ YouTube khoảng 263.000-4,2 triệu USD/năm, tương đương 6,1-97,4 tỷ đồng/năm.

Ngoài phát triển kênh YouTube của mình, hiện tại, Thơ Nguyễn còn đầu tư sản xuất các video ngắn trên nền tảng TikTok. Kênh TikTok của cô cũng đã sở hữu hơn 900.000 người theo dõi.

Thử thách làm bồn tắm thạch của Thơ Nguyễn được phản ánh chứa âm thanh không phù hợp.

Đây không phải lần đầu cô bị lên án vì làm những clip có nội dung "bẩn". Vào tháng 5/2017, mạng xã hội xôn xao và đồng loạt lên tiếng tẩy chay Thơ Nguyễn khi nhận định tiếng kêu rên trong video có tên "Làm bồn tắm thạch Gelli Baff" được đăng tải ngày 26/11/2016 là phản cảm, không phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

Kế đó, Thơ Nguyễn tiếp tục vướng vào “cơn bão” chỉ trích của cộng đồng mạng khi liên tiếp cho ra đời những video thử thách nguy hiểm, ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ nhỏ.

Cụ thể, một số những video được thực hiện với tiêu đề như "Cho đá khô vào chai nước kín", "Thử nghiệm đun lon nước ngọt" để theo dõi hiện tượng phát nổ,... Mặc dù trong video, Thơ Nguyễn liên tục cảnh báo đến các bạn nhỏ "trò này khá nguy hiểm nên các em đừng tự thực hiện lại nhé", tuy nhiên nhiều khán giả nhận định đây chỉ là chiêu trò để duy trì những video dạng câu view.