Thế giới

Yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của ông Putin có khả thi?

Các nhà nhập khẩu nước ngoài chắc chắn sẽ rất vui khi thanh toán cho việc mua hàng xuất khẩu của Nga bằng đồng tiền đang giảm giá trị.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 23/3 tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận thanh toán cho các lô hàng khí đốt tự nhiên bằng USD hoặc Euro nữa - thay vào đó, "các quốc gia không thân thiện" sẽ phải thanh toán bằng đồng rúp Nga, Politico dẫn nguồn hãng thông tấn TASS cho biết.

Động thái này diễn ra trước thềm một hội nghị của các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ quyết định liệu có áp trừng phạt lên hàng nhập khẩu năng lượng của Nga hay không sau khi đã đánh vào lĩnh vực tài chính của nước này để đáp lại chiến dịch quân sự do Moscow phát động ở Ukraine.

"Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên theo khối lượng và giá cả... đã được ấn định trong các hợp đồng đã ký trước đó", ông Putin nói với các Bộ trưởng trong Chính phủ. Nhưng "Tôi đã quyết định thực hiện một loạt các biện pháp để chuyển các khoản thanh toán... cho khí đốt tự nhiên mà chúng ta cung cấp cho các quốc gia được gọi là không thân thiện sang đồng rúp Nga càng sớm càng tốt".

Ông Putin cho biết, ông sẽ chỉ đạo Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom độc quyền xuất khẩu khí đốt qua đường ống sửa đổi các hợp đồng hiện có của mình cho phù hợp.

Đức, khách mua khí đốt lớn nhất của Nga, cho rằng thanh toán bằng đồng rúp là vi phạm hợp đồng và quốc gia này sẽ bàn bạc với các đối tác châu Âu về cách phản ứng, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.

Ý, khách hàng lớn thứ hai của Gazprom, cho biết họ không có ý định thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp vì điều đó có thể giúp ông Putin làm suy yếu các trừng phạt của châu Âu.

Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu khí đốt hàng năm từ Nga. Ảnh: Politico

Khách mua châu Á hoang mang

Trước động thái trên của ông Putin, các nhà nhập khẩu khí đốt của Nga ở châu Á đang tỏ ra bối rối trước cú sốc mới nhất đối với thị trường năng lượng toàn cầu kể từ khi chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine bắt đầu, Reuters cho biết.

Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong danh sách các quốc gia bị Nga coi là “không thân thiện”. Các nước này đều nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các cảng Sakhalin-2 và Yamal LNG ở miền Đông nước Nga.

Nhật Bản, nhà nhập khẩu LNG của Nga lớn nhất ở châu Á, không biết Moscow sẽ thực thi yêu cầu đó như thế nào.

"Hiện tại, chúng tôi đang xem xét tình hình với các bộ liên quan vì chúng tôi không hiểu ý định của Nga là gì và họ sẽ thực hiện điều này như thế nào", Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết trước Quốc hội Nhật Bản.

Nhật Bản đã nhập khẩu 6,84 triệu tấn LNG từ Nga vào năm 2021, theo dữ liệu dòng chảy thương mại của Refinitiv, chiếm gần 9% tổng lượng LNG nhập khẩu của nước này.

JERA, nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản đồng thời là khách mua LNG lớn nhất, đã không nhận được bất kỳ thông báo nào từ Sakhalin Energy, liên doanh vận hành Sakhalin-2, về việc thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán từ USD, một phát ngôn viên của công ty cho biết.

Vị phát ngôn viên cho biết thêm rằng họ sẽ tiếp tục thu thập thông tin.

Hàn Quốc, nhà nhập khẩu LNG của Nga lớn thứ ba châu Á, dự kiến có thể tiếp tục hoạt động nhập khẩu, khi Ủy ban Dịch vụ Tài chính của nước này cho biết họ sẽ làm tất cả những gì có thể để tạo thuận lợi cho thương mại.

Tập đoàn Khí đốt Hàn Quốc (KOGAS) cho biết, họ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn LNG của Nga, chiếm khoảng 6% lượng nhập khẩu của công ty. Tuy nhiên, KOGAS không giao dịch trực tiếp với Nga vì hợp đồng mua bán của họ là với Sakhalin Energy và các khoản thanh toán cho khí đốt sẽ được chuyển vào một ngân hàng Nhật Bản ở Singapore.

"Vì chúng tôi đang thực hiện thanh toán qua ngân hàng Nhật Bản, chúng tôi hiện không thấy vấn đề gì, nhưng chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình", một quan chức KOGAS cho biết.

Một tàu chở khí đang được nạp đầy từ một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên đảo Sakhalin, Nga. Ảnh: New York Times

Nỗ lực chống đỡ đồng rúp có khả thi?

Việc kêu gọi thanh toán bằng đồng rúp được coi là một cách của ông Putin nhằm cố gắng chống đỡ đồng rúp, vốn đã sụp đổ sau khi Nga hứng “cơn mưa” các lệnh trừng phạt.

Ông Putin cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương có một tuần để đưa ra giải pháp về việc chuyển các hoạt động thanh toán sang tiền tệ của Nga và Gazprom sẽ được lệnh thực hiện các thay đổi tương ứng đối với các hợp đồng.

Tuy nhiên, động thái này không chắc có tác dụng đối với Moscow, Eswar Prasad, giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Mỹ), cho biết.

"Các nhà nhập khẩu nước ngoài chắc chắn sẽ rất vui khi thanh toán cho việc mua hàng xuất khẩu của Nga bằng đồng tiền đang giảm giá trị, mặc dù việc tiếp cận với đồng rúp theo cách không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt có thể rất khó khăn", ông Prasad nhận định.

Việc được thanh toán bằng đồng rúp sẽ không làm được gì nhiều để giúp Nga nâng đỡ giá trị đồng nội tệ trên thị trường toàn cầu hoặc thanh toán cho hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác, vị Giáo sư này bổ sung.

Minh Đức (Theo Reuters, Politico, Bloomberg)