Văn hoá

Ý tưởng “Bàn thờ” trên trang phục cho hoa hậu Hoàng Thùy: Tối tạo hay sáng tạo?

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, ý tưởng này của NTK Phạm Quang Minh đang làm mất đi giá trị thiêng liêng của truyền thống Việt Nam.

Tiếp nối thành công của hoa hậu H’Hen Niê, Hoàng Thùy là cái tên chính thức được lựa chọn trở thành đại diện Việt Nam tham dự Miss Universe 2019.

Năm 2018,  trang phục “bánh mỳ” được hoa hậu H’Hen Niê đã gặt hái được nhiều thành công ở sàn diễn quốc tế, đây chính là sản phẩm có được sau cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc.

Tối 28/5, Ban tổ chức công bố loạt thiết kế đăng kí dự thi tuyển chọn trang phục dân tộc cho Miss Universe 2019, trong đó nổi bật có bản thiết kế bộ trang phục có tên "bàn thờ" đã thu hút sự chú ý và gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. 

Nhiều ý kiến cho rằng, ý tưởng này độc đáo, hay ho. Tuy nhiên phần đông ý kiến cho rằng, ý tưởng này lố bịch, đang làm ảnh hưởng tới giá trị thiêng liêng vốn có của truyền thống người Việt Nam. Chính bản thân hoa hậu Hoàng Thùy cũng phải thốt lên sau khi xem ý tưởng này: “Muốn cho mình lên hương sớm vậy à bạn gì ơi?”.

Ý tưởng trang phục "bàn thờ" gây tranh cãi

Anh Phạm Quang Minh, tác giả của ý tưởng trang phục “bàn thờ” cho biết không có ý gây sốc khi đưa ra ý tưởng. "Tôi nghĩ phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên của Việt Nam rất ý nghĩa. Vì sao không giới thiệu nét văn hóa đó ra quốc tế? Tôi là dân tay ngang ở lĩnh vực thiết kế thời trang. Vì vậy, bản vẽ còn vài chi tiết chưa tốt. Tôi sẵn sàng đón nhận góp ý từ khán giả. Nếu được các giám khảo tư vấn, hướng dẫn thêm, tôi có thể hoàn thiện mẫu thiết kế, bỏ đi các chi tiết không phù hợp".

Về vấn đề chuyên môn, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia văn hóa, PGS - TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, ông cho rằng: “Đây cũng có thể xem là ý tưởng độc đáo của nhà thiết kế, tuy nhiên theo quan điểm cá nhân tôi đây là tối tạo chứ không phải sáng tạo. Bởi lẽ, bàn thờ vốn là một vật phục vụ tín ngưỡng thiêng liêng, là cái cao cả, truyền thống của người dân Việt Nam, những ý tưởng làm thỏa mãn sáng tạo nghệ thuật như thế này thì không nên”.

PGS.TS Lê Quý Đức phân tích thêm: “Đối với người Việt, bàn thờ tổ tiên luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà. Ngôi nhà dù có chật chội thế nào cũng có một ban nhỏ để bát hương, bài vị cùng những đồ thờ cúng như quả bồng bày mâm ngũ quả, đài nước, chân nến, đèn dầu, lư hương, độc bình, ống hương… Mỗi lần dâng lễ có thể là đĩa hoa tươi, chén nước trắng, có điều kiện thì dâng thêm đĩa hoa quả, ít tiền vàng.

Khi tuần hương tàn, người ta đốt tiền vàng rồi lấy chén nước cúng hay chén rượu vẩy lên làm phép để tổ tiên được hưởng lễ. Những giây phút hương trầm lan tỏa trong mỗi gia đình Việt là lúc tạo ra không khí linh thiêng, ngưỡng vọng, mọi người đều cảm thấy thư thái, ấm áp.”

“Thiết kế trang phục thì không thể lấy ý tưởng “bàn thờ” để đặt lên người được. Nó sẽ làm mất đi cái văn hóa, thiêng liêng những cái trân quý, trang trọng của không chỉ người Việt mà đây là nét đặc trưng của nhiều nước châu Á", PGS.TS. cho biết thêm.

Ngoài ý tưởng trang phục "bàn thờ" ban tổ chức cuộc thi còn công bố nhiều ý tưởng của các tác giả khác cũng độc đáo không kém cạnh.

Một số hình ý tưởng thiết kế trang phục được gửi đến cuộc thi: 

Ý tưởng trang phục "Xích lô" của tác giả Nguyễn Quốc Việt

Ý tưởng trang phục "Nàng ngư" của tác giả Nguyễn Lê Vĩnh Tường

Ý tường trang phục "Cafe phin sữa đá" của tác giả Trần Nguyễn Minh Đức

Ý tưởng "Chọi Trâu" của tác giả Nguyễn Đăng Tùng