Đời sống

Ý nghĩa sâu xa đằng sau những bộ móng giả mà các phi tần nhà Thanh thường đeo

Trong những bộ phim cổ trang về triều đại nhà Thanh, chúng ta đều thấy từ Thái hậu, Hoàng hậu cho đến các phi tần mỹ nữ đều đeo những bộ móng giả dài nhọn.

Những năm trở lại đây, dòng phim cổ trang hay phim cung đấu nói về thời đại nhà Thanh mỗi khi lên sóng đều nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả Châu Á. Không chỉ đặc sắc về nội dung với những tình tiết xoay quanh nơi thâm cung bí sử của Hoàng gia. Mà dòng phim này còn được yêu thích đặc biệt là bởi sự đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh và phục trang tái hiện nhân vật.

Trong đó, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như phụ kiện của các phi tần trong phim cũng phải được chuẩn bị đúng nhất với nguyên tác sử sách. Và một trong những điểm khiến công chúng hâm mộ dòng phim này không thể không để ý, chính là những bộ "hộ giáp" hay còn gọi là móng tay giả của các phi tần mỹ nữ.

Nhìn qua thấy rất bất tiện khi hoạt động. Hóa ra, bộ bọc móng tay nho nhỏ này thực ra có tác dụng rất lớn, không chỉ ở phương diện làm đẹp như một món đồ trang sức cho chủ nhân, còn có ý nghĩa rất sâu sắc phía sau.

Những bộ móng dài được trạm trổ cầu kỳ của Hoàng hậu, phi tần.

Theo tìm hiểu, người cổ đại rất chú ý đến khái niệm "thân thể là của cha mẹ cho", móng tay cũng là một bộ phận của cơ thể, vì thế không thể tùy ý cắt tỉa. Hơn nữa, móng tay đẹp cũng khiến bàn tay đẹp hơn, vì vậy có không ít người dụng tâm chăm chút.

Những bộ móng này thường được làm từ các kim loại quý như vàng, bạc, ngọc trai hay mai rùa. Chúng đều có đặc điểm chung là dài và nhọn hoắt, cùng với các họa tiết tinh xảo, thể hiện sự quý phải và địa vị của người đeo.

Chúng ta đều biết trong cuộc sống thường ngày, việc nuôi một bộ móng dài sẽ rất bất tiện và còn dễ gãy hoặc bị lật móng. Vậy tại sao trong hậu cung nhà Thanh lại ưa chuộng phong cách này? Chỉ đơn thuần là thẩm mỹ? Hay còn là vũ khí tranh đấu nơi hậu cung?

Thực tế từ thời kỳ chiến quốc, những người phụ nữ đã có thói quen nuôi một bộ móng dài, nhưng thường là những người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên.

Một bộ móng tay sẽ thể hiện thân phận và đẳng cấp của người phụ nữ. Để đẹp hơn, những người phụ nữ cổ đại sẽ nhuộm bộ móng của mình thành những màu sắc ưa thích, và họ cũng có thể vẽ hoặc khảm lên móng tay những tiểu tiết trang trí.

Những người phụ nữ sẽ phải luôn chú tâm vào việc giữ gìn bộ móng đó, tuy nhiên họ vẫn phải động chân động tay vào những công việc cuộc sống hằng ngày. Điều này rất dễ làm hỏng, thậm chí là lật cả chiếc móng tay của họ.

Ảnh minh họa.

Vậy nên, thay vì mất thời gian để trang trí và bận tâm giữ gìn, họ lựa chọn giải pháp mặc "hộ giáp" (cách người xưa gọi móng giả) cho bộ móng thật của mình bẵng những chiếc móng giả. Chỉ là mãi đến triều đại nhà Thanh, những bộ móng giả đó mới được nâng tầm và trở thành trào lưu mà thôi.

Người Mãn (nhà Thanh do người dân tộc Mãn Châu thành lập) vào lúc đính hôn, người con trai sẽ tặng cho người con gái lễ vật chính là những bộ "hộ giáp".

Vì là móng giả nên có thể chạm khắc trang trí dễ dàng và tinh xảo hơn bộ móng thật rất nhiều. Vậy nên một bộ "hộ giáp" càng sang trọng sẽ càng thể hiện được địa vị và sự quyền lực của người đeo.

Nếu nói đến những chiếc móng giả dài nhọn và đẳng cấp, thì đặc biệt phải kể đến Từ Hy Thái Hậu lừng danh. Một cung nữ từng theo hầu bà từng tiết lộ trong tự truyện của mình rằng Từ Hy ngày đeo "hộ giáp" bằng vàng ở tay phải, hộ giáp ngọc trai ở tay trái. Tối đến thì bà lựa chọn bộ ít lấp lánh hơn. Từ Hy Thái Hậu thường đeo "hộ giáp" ở ngón út và áp út, mỗi cái dài khoảng 2 tấc (1 tấc 3,33cm).

Từ Hy Thái hậu chăm sóc bộ móng thất lẫn "hộ giáp" đều rất cẩn thận. Hằng ngày bà sai cung nữ làm mềm móng bằng nước nóng, rồi dùng bàn chải nhỏ làm sạch, sau đó dùng nước bóng của Pháp đánh đều lên móng tay.

Đối với các phi tần mỹ nữ trong hậu cung, ngoài tác dụng thẩm mỹ và bảo vệ bộ móng thật, những chiếc móng "hộ giáp" còn có thể được tẩm độc để biến thành một thứ vũ khí giết người khi cần thiết. Hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó, họ có thể dùng nó để tự tay kết liễu chính sinh mạng của mình.

Trang Dung (t/h)