Tiêu điểm thế giới

Sự thật bất ngờ sau bức ảnh sơn dương quý hiếm bị bắn hạ đang gây phẫn nộ ở Pakistan

Bức ảnh thợ săn Mỹ bắn hạ con sơn dương quý hiếm ở Pakistan đã gây ra làn sóng phẫn nộ của dư luận. Tuy nhiên, hành động này trên thực tế lại đang cứu loài vật quý hiếm thoát khỏi nạn tuyệt chủng.

Bức ảnh gây chú ý của thợ săn Bryan Kinsel Harlan cùng với một con sơn dương Astore hoang dã, quý hiếm ở Pakistan. 

Một bức ảnh săn bắn loại sơn dương hoang dã đã thu hút sự chú ý sau khi được đăng trên các tờ báo Pakistan vào tuần trước. Hình ảnh cho thấy một con sơn dương tuyệt đẹp với cặp sừng xoắn ốc khổng lồ, nép mình trên một tảng đá, được bao quanh bởi những ngọn núi tuyết và một người đàn ông đang mỉm cười phía sau.

Người đàn ông này đã trả số tiền lên tới 110,000 USD để được săn loài vật đang trên bờ vực tuyệt chủng trong chuyến thám hiểm du lịch đến phía Bắc núi Himalaya, Pakistan, khu vực Gilgit-Baltistan.

“Đó là một cú bắn gần và dễ dàng. Tôi rất vui khi đạt được thành tích này”, người thợ săn có tên Bryan Kinsel Harlan cho hay. Quốc tịch của người thợ săn này chưa được xác định, nhưng hướng dẫn viên người Pakistan của anh ta nói rằng anh đến từ Texas, Mỹ.

Câu chuyện này đã dấy lên làn sóng tiếc thương con vật và phẫn nộ trên truyền thông. Một số nhà bình luận Pakistan đã đặt ra câu hỏi liên quan tới lệnh cấm hợp pháp hóa hành vi săn bắn vì theo họ, sơn dương chính là loài động vật biểu tượng của quốc gia.

Những người khác cho rằng khách du lịch nước ngoài chỉ nên chụp ảnh chứ không được phép săn bắn chúng.

Tuy nhiên, có một lý do khác mang ý nghĩa tích cực hơn đằng sau việc chính quyền cho phép Harlan, cùng với hai người Mỹ khác trả một khoản tiền khổng lồ để săn bắn 3 con sơn dương có sừng dài ở miền Bắc Pakistan trong tháng qua.

Theo các quan chức và nhóm bảo tồn Pakistan, thực tế những hành động này đã giúp cứu một loài động vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Trong nhiều thập kỷ, số lượng sơn dương có nguồn gốc từ dãy núi Himalaya của Pakistan, Ấn Độ và Afghanistan đã bị thu hẹp do nạn săn bắn trộm, phá rừng và khai thác gỗ, các hoạt động quân sự, cạnh tranh với chăn nuôi và săn bắn mất kiểm soát tại quốc gia này.

Đến năm 2011, số lượng sơn dương ước tính chỉ còn lại khoảng 2500 con. Trước tình hình đáng báo động, các nhà chức trách trong khu vực cùng các nhà bảo tồn bắt đầu hành động để cứu loài động vật hoang dã nói trên. Ấn Độ đã chỉ định 5 khu bảo tồn cho sơn dương ở biên giới miền núi Jammu và Kashmir.

Pakistan cấm tất cả các hoạt động săn bắn tại địa phương nhưng bắt đầu cho phép một số lượng nhỏ thợ săn nước ngoài săn 12 con dê đực mỗi mùa tại các khu vực bảo tồn của Gilgit và các nơi khác.

Hầu hết các khoản phí săn bắn lên tới hàng trăm nghìn đô la sẽ được trao lại cho những người dân nghèo khổ, bị cô lập trong khu vực sinh sống miền núi của loài sơn dương. Họ nhận được 80% phí cũng như thu nhập từ tiền hướng dẫn viên săn bắn và nhà nghỉ. Các cơ quan động vật hoang dã của chính phủ nhận được 20%.

Ở một số quốc gia khác, việc thúc đẩy săn bắn như một chiến thuật bảo tồn đã có hiệu lực, với một số chương trình tính phí cao đối với người đi săn. Nhưng ở Pakistan, cách làm này dường như đã thành công một cách không ngờ.

Tabarak Ullah, một thợ săn chuyên nghiệp từ Gilgit, người hướng dẫn săn bắn cho người nước ngoài cho biết, nguồn tiền từ chi phí săn bắn được sử dụng cho y tế và giáo dục địa phương cũng như bảo tồn các loài động vật.

Vào năm 2015, số lượng sơn dương Pakistan đã hồi phục đủ và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa danh mục loài động vật này từ nguy cơ tuyệt chủng thành “gần đe dọa”.

Theo trang web của nhà bảo tồn Green Global Travel, sự trở lại của sơn dương Pakistan là “một trong những câu chuyện thành công về việc bảo tồn động vật tuyệt vời nhưng ít được biết đến”.

Kiều Trang