Sự kiện

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất xử phạt 40 triệu đồng, nạo vét sông Tô Lịch với tài xế sử dụng rượu bia

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và luật sư, việc đề xuất phạt 40 triệu đồng, tước bằng lái 2 năm nếu không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn hoặc có thể lao động công ích với người sử dụng rượu bia cần phải xem xét thật kỹ.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do tài xế sử dụng rượu bia. Từ câu chuyện đau lòng này, đã có những ý kiến cho rằng cần phải tăng cường mức phạt để mang tính răn đe.

Mới đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất tăng mức phạt lái xe uống rượu lên mức cao nhất 40 triệu đồng, tước bằng lái 24 tháng. Khung phạt này cũng áp dụng cho tài xế không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, ma túy.

Cùng với đó, tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 9/5 Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý về việc xử phạt nghiêm các trường hợp uống rượu bia, sử dụng chất kích thích sau đó tham gia giao thông. Phó Chủ tịch chỉ rõ những trường hợp uống rượu bia lái xe gây tai nạn trong luật đã có quy định rồi, nhưng có thể quy định hình thức xử phạt nặng đối với những người uống rượu bia khi lái xe, kể cả chưa gây tai nạn.

Đồng thời ông Hiển nói: “Nếu uống rượu bia dù chưa gây tai nạn thì có thể bị xử phạt tiền ở mức độ cao, cần thiết thì đưa ra quy định bắt lao động công ích, chẳng hạn như nạo vét sông Tô Lịch”.

Trước đề xuất và ý kiến như bắt lao động công ích đối với những người sử dụng rượu bia, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã lắng nghe ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, luật sư.

Nghe audio: Chuyên gia giao thông nói về đề xuất xử phạt 40 triệu đồng

Phạt tiền, lao động công ích cần nghiên cứu thấu đáo

Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, cục CSGT, bộ Công an cho biết đây là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay bởi một số không nhỏ lái xe sử dụng các chất kích thích, sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn quá mức cho phép gây nên nhiều vụ gây tai nạn thảm khốc.

Mới đây, trong cuộc họp của Thường vụ Quốc hội đã đưa vấn đề này ra, có thể nói rằng đây là vấn đề nóng không chỉ ở dư luận mà cũng đã đến cơ quan lập pháp tối cao của nước ta.

Đại tá Trần Sơn bày tỏ quan điểm của mình.

“Một số ý kiến đề xuất xoay quanh việc này, trước hết về nguyên tắc tôi tán thành và ủng hộ việc tăng chế tài phạt tiền cũng như áp dụng một số biện pháp khác nặng hơn như tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện đối với những lái xe có sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn, hoặc lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định.

Tuy nhiên, mức phạt tiền hiện nay cao nhất của lái xe ô tô sử dụng rượu bia lên tới 18 triệu đồng, nếu so với mặt bằng lao động ở nước ta thì cũng gọi là cao. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, đối với những người có phương tiện ô tô, có điều kiện kinh tế thì mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Vì thế, mới có chuyện dư luận đòi hỏi cần phải nâng cao chế tài, phạt tiền, đồng thời nâng cao xử phạt, phạt tù hoặc lao động công ích với lái xe sử dụng chất kích thích, nồng độ cồn mà chưa gây ra tai nạn giao thông”, Đại tá Trần Sơn cho biết. 

Cũng chia sẻ thêm về ý kiến buộc lao động công ích với những trường hợp sử dụng rượu bia, Đại tá Trần Sơn cho hay: “Còn việc phạt lao động công ích, tôi cho rằng đây là một ý mới, việc này ở một số nước trên thế giới đã làm. Ở nước ta, ngoài phạt tù, phạt tiền thì phạt lao động công ích rất có tác dụng, còn nói nạo vét sông Tô Lịch, dọn rác thì nên coi đây là một ví dụ để các lãnh đạo cấp cao đưa ra một đề xuất rằng, trong khi chờ sửa đổi luật nên chăng Thường vụ Quốc hội có một nghị quyết có hiệu lực như một văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những trường hợp tương tự nêu trên, để đủ sức răn đe.

Lao động công ích cần chỉ ra gồm những công việc như: Hướng dẫn giao thông, dọn rác, nạo vét sông, chăm sóc nạn nhân bị tai nạn giao thông đang điều trị tại bệnh viện… Những việc này cũng cần được luật hoá. Những người buộc phải lao động công ích được giao cho lực lượng nào trông coi, giám sát… Mục đích cuối cùng là khi vi phạm một lần rồi thì những người này sẽ sợ đến già, không dám vi phạm nữa.

Để làm được điều này, cần có nghiên cứu thấu đáo, phạt tiền ở mức độ nâng lên 40 triệu thì đối với những trường hợp nào. Hay, việc tước giấy phép lái xe có thời hạn, vĩnh viễn trong trường hợp nào… thì cần nghiên cứu kỹ”.  

Chỉ là giải pháp tình thế, thiếu tính đồng bộ

Trong khi đó, nói về đề xuất phạt 40 triệu đồng, tước bằng lái 2 năm nếu không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn của Tổng cục đường bộ Việt Nam, Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Tôi cho rằng đề xuất này chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”, đây là giải pháp không có tính đồng bộ, giải pháp tình thế”.  

Luật sư Hướng nhấn mạnh: “Muốn giải quyết được việc này thì việc đầu tiên cần phải xem xét lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nguồn luật điều chỉnh đã đầy đủ hay chưa? Uống bia rượu, tham gia giao thông là nguồn nguy hiểm rất cao, nhưng hiện nay mức xử phạt hành chính chỉ ở mức 18-20 triệu đồng, về hình sự không có một tội danh nào độc lập, chỉ là tình tiết tăng nặng trong điều 260 Bộ luật hình sự. Nên, theo tôi cần phải nhanh chóng sửa luật, luật không sửa kịp thì cơ quan làm luật, Quốc hội phải ra nghị quyết.

Một việc nữa, hiện nay trong luật uống rượu bia say phải có hậu quả gây ra tai nạn gãy tay, chân, lật xe… lúc đó mới xử lý được. Nhưng tôi cho rằng, đã là nguồn nguy hiểm cao thì trong pháp luật đó là tính răn đe, tính phòng ngừa chứ không phải giải quyết hậu quả. Nên, đã uống rượu bia rồi lái xe là bắt ngay chứ không cần phải chờ xảy ra tai nạn rồi mới giải quyết”.  

Còn nói về ý kiến cho đi nạo vét sông Tô Lịch đối với những người sử dụng rượu bia, luật sư Hướng cho rằng đây chỉ là ý kiến đưa ra để bàn về giải pháp nên không cần bàn sâu.

Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng đề xuất phạt 40 triệu đồng, tước bằng lái chỉ là giải pháp tình thế (Ảnh minh hoạ).

Cần phải sửa bộ Luật hình sự

Cũng đề xuất ý kiến của mình, Đại tá Trần Sơn bày tỏ: “Thứ nhất, cần phải sửa bộ Luật hình sự, sửa Luật xử lý vi phạm hành chính, sửa nghị định 46/CP. Tôi cho rằng, nên sửa bộ Luật hình sự theo hướng coi hành vi uống rượu bia quá nồng độ cồn chưa gây tai nạn giao thông, có thể xem xét vào hành vi có khả năng thực tế dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, hoặc không đưa tai nạn giao thông vào lỗi vô ý mà đưa vào lỗi cố ý gián tiếp (có nghĩa là tài xế biết việc sử dụng rượu bia khi lái xe nguy hiểm cho người khác, mặc dù trong thâm tâm không hề mong muốn hậu quả tai nạn xảy ra, biết trước hành vi này là nguy hiểm cho xã hội mà vẫn cố tình thì đây là hành vi cố ý gián tiếp)”.