Hồ sơ điều tra

Y án sơ thẩm đối với 4 bị cáo vụ gian lận điểm thi Sơn La

TAND Cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt của 4 bị cáo trong vụ gian lận thi cử Sơn La, giữ nguyên án sơ thẩm.

Cựu sĩ quan Công an Sơn La kêu oan hành vi đưa hối lộ

Ngày 20/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa - Cựu sĩ quan Công an Sơn La kêu oan hành vi đưa hối lộ.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo kêu oan của 2 bị cáo Trần Xuân Yến - nguyên Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và Nguyễn Minh Khoa - nguyên Phó trưởng phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA03) Công an tỉnh Sơn La.

Hai bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là Lò Văn Huynh - Nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục và Nguyễn Thanh Nhàn - Nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục.

Ngoài 4 bị cáo nêu trên, các ông bà Lê Thị Thanh Yến và Lê Thanh Sơn (vợ và em vợ bị cáo Lò Văn Huynh) kháng cáo với nội dung yêu cầu xem xét trả lại vật chứng là tiền bị kê biên vì đây không phải là tranh chấp dân sự, tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định về án phí có giá ngạch trong vụ án dân sự đối với bà Yến, ông Sơn là không chính xác.

Trước đó, bị TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, bị cáo Trần Xuân Yến cho rằng bản thân không phạm tội như tòa cấp sơ thẩm quy kết. Bị cáo chỉ nhờ xem điểm chứ không phải nhờ nâng điểm như VKS và tòa quy buộc.

Tiếp đến, bị tòa sơ thẩm xử phạt 8 năm tù về tội Đưa hối lộ, cựu Thượng tá Nguyễn Minh Khoa kêu oan, nói không đưa cho bị cáo Lò Văn Huynh 1 tỷ đồng nhờ nâng điểm; không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

Bị cáo Khoa cho rằng bản án sơ thẩm có những sai sót nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Mặc dù cũng nói không nhận 1 tỷ đồng từ bị cáo Khoa nhưng bị cáo Lò Văn Huynh chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt với hành vi lạm dụng chức vụ.

Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn kháng cáo với nội dung bản thân chỉ giữ vai trò giúp sức nhưng không đáng kể; bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn; không phải là người thực hành tội phạm nên mong được giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, Nguyễn Thanh Nhàn bị tòa sơ thẩm xử phạt 30 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Lò Văn Huynh lĩnh 15 năm 6 tháng tù về tội Nhận hối lộ, 5 năm 6 tháng tù về Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tổng 21 năm tù.

Phán quyết cuối cùng

Tiến hành xét xử vụ án gian lận thi cử ở Sơn La theo trình tự phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định: Tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng người, đúng tội; xem xét các chứng cớ khách quan, phù hợp quy định của pháp luật.

HĐXX nhận thấy đủ cơ sở kết luận tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, các bị cáo Trần Xuân Yến, Nguyễn Thanh Nhàn, Đặng Hữu Thủy (nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng, đều nguyên là cán bộ PA03, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó trưởng phòng Chính trị, sở GD&ĐT Sơn La) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao với động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác (vì mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…) cấu kết với nhau thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Cụ thể, các bị cáo cấu kết rút bài thi trắc nghiệm sửa, nâng điểm, in khóa phách vòng 1 và vòng 2 để nâng điểm cho 44 thí sinh.

Các bị cáo Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng phòng An ninh Chính trị Nội bộ Công an tỉnh Sơn La); Lò Thị Trường (44 tuổi, trú TP.Sơn La); Trần Văn Điện (nguyên cán bộ trường THCS Chiềng Cơi; TP.Sơn La) và Hoàng Thị Thành (nguyên Chủ tịch hội Nông dân H.Quỳnh Nhai) vì động cơ vụ lợi đã thỏa thuận đưa tiền để sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh. Do vậy đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội Đưa hối lộ.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân trong công tác thi cử, xâm phạm danh dự thầy cô giáo, làm mất cơ hội của các học sinh có năng lực trong học tập, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân; Vì vậy phải có một bản án phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo, nhằm trừng trị riêng cũng như giáo dục răn đe tội phạm nói chung.

Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Minh Khoa, Nguyễn Thanh Nhàn không đưa ra được các chứng cứ mới phù hợp với kháng cáo của mình. Vì vậy, HĐXX tuyên y án sơ thẩm với cả bốn bị cáo.

Theo đó, Trần Xuân Yến phải chấp hành hình phạt 9 năm tù, Nguyễn Minh Khoa 8 năm tù, Lò Văn Huynh 21 năm tù và Nguyễn Thanh Nhàn 30 tháng tù.

Cấp phúc thẩm cũng không chấp nhận đề nghị trả lại số tiền 1 tỷ đồng cho các ông bà Lê Thị Thanh Yến và Lê Thanh Sơn do đây là vật chứng của vụ án nhưng đồng ý miễn án phí sơ thẩm.