Thế giới

Xung đột ở Ukraine dự kiến “chiếm sóng” tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

“Đại hội đồng nhóm họp vào thời điểm nhiều nguy hiểm đang rình rập”, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết.

Phiên họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), cuộc họp thường niên lớn nhất của các nhà lãnh đạo thế giới, đã khai mạc tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, theo hình thức trực tiếp, sau hơn 3 năm bị ảnh hưởng bởi các hạn chế thời đại dịch.

Trọng tâm thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao của UNGA khóa 77, diễn ra từ ngày 20/9, với sự tham dự của các Nguyên thủ Quốc gia, người đứng đầu các chính phủ và quan chức ngoại giao hàng đầu của các quốc gia, dự kiến sẽ là về xung đột ở Ukraine và các cuộc khủng hoảng kinh tế và môi trường, tờ New York Times cho biết.

Theo tờ báo Mỹ, bên cạnh xung đột ở Ukraine – một cuộc chiến đang làm phân cực trật tự thế giới theo những cách chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh, kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu, sự kiện cũng sẽ tập trung vào nhiều thách thức mà các nhà lãnh đạo hiện đang phải đối mặt, bao gồm tác động của việc tăng giá lương thực đối với người dân trên thế giới và lo ngại về những gián đoạn do biến đổi khí hậu, ví dụ như những đợt lũ lụt thảm khốc ở Pakistan.

“Đại hội đồng nhóm họp vào thời điểm nhiều nguy hiểm đang rình rập”, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết. “Thế giới của chúng ta đang bị tàn phá bởi chiến tranh, biến đổi khí hậu, với những vết sẹo từ sự thù hằn, và những hổ thẹn từ nghèo đói, bất bình đẳng”.

Tuần lễ Cấp cao của UNGA khóa 77 bắt đầu tại New York trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc trên thế giới, cuộc chiến ở Ukraine, cũng như một cơn bão hoàn hảo về khủng hoảng lương thực, khí hậu và năng lượng.

Ông Guterres cho biết, việc các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu tại New York nên mang lại hy vọng thông qua đối thoại, tranh luận và các kế hoạch cụ thể để vượt qua chia rẽ và khủng hoảng.

Đó là một yêu cầu rất khó để thực hiện. Khoảng 157 Nguyên thủ Quốc gia và đại diện của các chính phủ dự kiến sẽ có bài phát biểu từ ngày 20/9 đến ngày 25/9, và cuộc chiến ở Ukraine và các tác động của nó dự kiến sẽ là chủ đề chính.

Vấn đề mất an ninh lương thực, từ tình trạng thiếu ngũ cốc đến tăng giá, cũng sẽ được ưu tiên thảo luận, theo New York Times. Các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Trung Đông dự kiến sẽ bày tỏ lo ngại rằng thế giới đang quá chú tâm vào cuộc chiến ở Ukraine và viện trợ nhân đạo được định hướng một cách bất cân đối vào việc giải tỏa cuộc khủng hoảng đó, trong khi những vấn đề của chính họ đang bị phớt lờ.

Căng thẳng dự kiến sẽ tăng cao giữa Nga, Mỹ và các nước châu Âu về vấn đề Ukraine; giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan và thương mại; và giữa các quốc gia đang phát triển và phương Tây về việc phân bổ kinh phí phát triển và các viện trợ khác.

Một số cuộc họp thượng đỉnh chuyên đề và bàn tròn được lên lịch để bàn về các vấn đề khác nhau, bao gồm giáo dục và đại dịch.

Những phát biểu đáng chú ý

Theo thông lệ, Brazil là nước phát biểu đầu tiên tại UNGA và sau đó là đến Mỹ, nước chủ nhà.

Tuy nhiên, năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ phát biểu vào ngày 21/9, muộn hơn một ngày so với bình thường do ông vừa trở về từ lễ tang Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại London. Mặc dù vậy, phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ vẫn được cho là sẽ tạo không khí chung cho cuộc họp tập trung nhiều vào Ukraine và biến đổi khí hậu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ có bài phát biểu video được ghi hình sẵn tại UNGA. Đại hội đồng đã bỏ phiếu hôm 16/9 để cấp ngoại lệ cho ông Zelenskyy trong bối cảnh tất cả các bài phát biểu đều phải được thực hiện trực tiếp như quy định của phiên họp năm nay. Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine dự kiến sẽ được phát ngày 21/9.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss dự kiến sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng trên cương vị mới vào cuối ngày 22/9, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ phát biểu vào ngày 23/9.

Lần cuối cùng UNGA nhóm họp trực tiếp là Phiên họp thứ 74 vào năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, làm gián đoạn cuộc họp thường niên lớn nhất của các nhà lãnh đạo thế giới. Ảnh: NYT

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Ethiopia sẽ không tham dự cuộc họp thường niên LHQ trong tuần này, mà chỉ cử các đại diện.

Theo quy định của LHQ, đại diện của các nước này sẽ có bài phát biểu vào cuối tuần sau khi tất cả các Nguyên thủ Quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước đã phát biểu trước Đại hội đồng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 24/9, đúng ngày phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng của nước này dẫn đầu sẽ phát biểu tại phiên họp, hãng thông tấn Nga TASS cho biết.

Phiên tranh luận chung của Đại hội đồng LHQ bắt đầu ngày 20/9 với bài phát biểu về thực trạng thế giới do đích thân Tổng thư ký LHQ Guterres đưa ra.

Ông Guterres vào ngày 21/9 sẽ chủ trì 2 cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên. Một cuộc họp sẽ bàn về những thách thức do xung đột ở Ukraine mang lại, bao gồm cả việc giá thực phẩm và năng lượng leo thang, và những căng thẳng kinh tế mà cuộc chiến gây ra. Cuộc họp còn lại sẽ là về hành động khí hậu.

Người đứng đầu LHQ cho biết, ông dự định nói với các nhà lãnh đạo rằng đã đến lúc phải hành động.

Minh Đức (Theo New York Times, TASS)