Thế giới

Xung đột Nga-Ukraine lâm vào bế tắc, Mỹ thu hẹp tầm nhìn ở Ukraine

Mặc dù Mỹ đã hứa “bơm” thêm vũ khí có tầm hoạt động xa hơn cho Ukraine, có những dấu hiệu cho thấy bước lùi của phương Tây trong ứng phó với xung đột Nga-Ukraine.

Đã hơn 100 ngày kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự. Sau một thời gian dàn trải trên nhiều mặt trận, quân Nga đã rút lui khỏi các khu vực xung quanh thủ đô Kyiv ở miền Bắc Ukraine để dồn lực vào mặt trận chính ở miền Đông nơi các tỉnh ly khai Donetsk và Lugansk hợp thành một khu vực gọi chung là Donbass.

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, "giải phóng" khu vực Donbass là "ưu tiên vô điều kiện" đối với Moscow.

Giao tranh hiện nay đang tập trung ở một số mặt trận nhỏ trong khu vực, ví dụ như thành phố Severodonetsk ở Lugansk, nhưng cả Nga và Ukraine đều có những bước tiến - lùi chậm chạp ở đây.

Khi cuộc xung đột giữa Ukraine và láng giềng Nga lâm vào bế tắc và chưa có hồi kết, Giám đốc Trung tâm Mỹ Phelan thuộc Trường Kinh tế London (LSE), Giáo sư Peter Trubowitz, có bài viết chia sẻ quan điểm về bước chuyển trong phản ứng của Chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh NATO khác.

Theo Giáo sư Trubowitz, dường như phương Tây, mà dẫn đầu là Mỹ, có thể đang thu hẹp các mục tiêu chiến lược của mình ở Ukraine.

Một chiếc ô tô bị hư hỏng nặng được nhìn thấy trên đường phố sau giao tranh giữa Nga và Ukraine ở Severodonetsk, tỉnh Luhansk, miền Đông Ukraine, ngày 13/5/2022. Ảnh: Times of Israel

Xung đột Nga-Ukraine đã chạm mốc mới hôm 3/6. Sau 100 ngày giao tranh, khi mọi thứ có vẻ lâm vào bế tắc, cả 2 bên trong cuộc xung đột hiện đang lún dần vào một chặng đường dài khó khăn.

Không bên nào tỏ ra quan tâm đến việc ngừng bắn, chưa nói đến một giải pháp ngoại giao cho cuộc giao tranh, Giáo sư Trubowitz nhận định.

Theo ông, trong trường hợp không có một bước đột phá quyết định trên chiến trường, các câu hỏi về khả năng phục hồi kinh tế và chính trị sẽ lớn hơn trong những tuần và tháng tới.

Đối với Kyiv, câu hỏi quan trọng là các nền dân chủ phương Tây sẽ còn đoàn kết đứng đằng sau Ukraine trong bao lâu.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, câu hỏi đặt ra là ông có đủ khả năng tiến hành một chiến dịch tốn kém dọc theo một chiến tuyến dài trong bao lâu, với hy vọng rằng Berlin, Paris và Washington sẽ bắt đầu gây áp lực buộc Kyiv phải nhượng bộ lãnh thổ.

Theo Giáo sư Trubowitz, đó chính là dấu hiệu cho thấy bước lùi của phương Tây trong vấn đề Ukraine.

Gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã phạm “sai lầm lịch sử” khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine từ hôm 24/2. Dù vậy, ông cũng nhận định các nước “không nên làm bẽ mặt Nga” để có thể tìm ra lối thoát qua các kênh ngoại giao khi chiến sự kết thúc.

Giáo sư Trubowitz giải thích, điều này được hiểu rộng rãi là Kyiv sẽ phải đồng ý ở một số điểm nhượng bộ lãnh thổ cho Moscow để kết thúc xung đột và tránh leo thang hơn nữa.

Ukraine đã nhanh chóng bác bỏ bình luận của ông Macron, nhưng Tổng thống Pháp không đơn độc.

Trên thực tế, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden hiện đã đồng ý gửi tên lửa tầm xa hơn cho Kyiv, có những dấu hiệu cho thấy họ cũng đang thu hẹp tầm nhìn của mình ở Ukraine.

Xe tăng Nga ở Mariupol. Ảnh: Greek City Times

Tuần trước, tờ New York Times đã đăng một bài viết quan trọng của Tổng thống Biden. Thay vì các mục tiêu như “muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể gây hấn lần nữa”, lần này ông Biden đã phác thảo các mục tiêu hạn chế hơn: giúp Ukraine tự vệ; tìm kiếm cơ hội đàm phán hòa bình giữa Kyiv và Moscow; và giảm nguy cơ leo thang và đảm bảo một cuộc xung đột trực diện Nga-NATO sẽ không xảy ra.

Giáo sư Trubowitz cho biết, những thành tích gần đây của Nga trên thực địa, tiêu biểu là việc giành toàn quyền kiểm soát thành phố cảng Mariupol chiến lược ở Đông Nam Ukraine, đã làm tăng khả năng xung đột sẽ kéo dài mà không bên nào giành được chiến thắng rõ ràng.

Điều này đã buộc chính quyền ông Biden phải đưa chiến lược của mình phù hợp hơn với thực tế trên thực địa, Giáo sư Trubowitz kết luận.

Minh Đức (Theo LSE)