Công nghệ

Xung đột Nga - Ukraine đảo lộn chính sách kiểm soát nội dung của Meta

Việc thay đổi liên tục chính sách, áp lực từ chính phủ Nga và Ukraine, cùng áp lực nội bộ từ các nhân viên đã khiến Meta phải vật lộn duy trì mạng xã hội của mình.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu ngày 24/2 vừa qua, Meta - tập đoàn mẹ của Facebook và Instagram - đã nhiều lần sửa đổi chính sách kiểm soát nội dung của mình. Meta vốn cấm các bài đăng có nội dung kêu gọi bạo lực, nhưng vào ngày 24/5, tập đoàn này đã cho phép một số bài đăng kêu gọi bạo lực đối với quân đội Nga trong bối cảnh xung đột với Ukraine, thậm chí cả bài đăng đe dọa Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Ngay sau đó, chính phủ Nga đã gọi Meta là một “tổ chức cực đoan” và có hành động hạn chế Facebook và Instagram tại quốc gia này. Meta vì vậy lại đổi hướng và cho biết sẽ không cho phép bài đăng bạo lực nhắm vào các nguyên thủ quốc gia. 

Ngoài ra, Meta còn tạm thời tạo ngoại lệ đối với chính sách về phát ngôn thù hận của mình. Theo tài liệu nội bộ, Meta cho phép kêu gọi hành động bạo lực và phát ngôn thù hận trên Facebook đối với người Nga trong ngữ cảnh liên quan đến xung đột tại 12 quốc gia Đông Âu và Baltic. Nhưng chỉ trong một tuần, Meta lại sửa chính sách này và chỉ áp dụng ngoại lệ với người dùng tại Ukraine.  

Sự thiếu nhất quán về chính sách đã khiến nhiều nhân viên kiểm soát nội dung khu vực Trung và Đông Âu rối loạn. Thời gian chỉ dưới 90 giây để đánh giá mỗi bài đăng và nhiều nội dung về chiến sự tại những khu vực không liên quan đến Ukraine càng làm công việc của đội ngũ nhân viên này trở nên phức tạp. 

Ông Emerson T. Brooking, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Pháp chứng Kỹ thuật số (DFRLab) thuộc tổ chức nghiên cứu Atlantic Council, cho rằng Meta đang đối mặt với tình thế vô cùng khó xử.  

Ông Brooking cho biết: “Thông thường, chính sách kiểm soát nội dung sẽ hạn chế nội dung bạo lực. Nhưng chiến tranh về bản chất là hiện tượng bạo lực. Không có cách nào để “làm sạch” chiến tranh hay giả vờ rằng nó là thứ gì đó khác.” 

Bên cạnh rắc rối về quy trình kiểm soát nội dung, Meta cũng phải đối mặt với khiếu nại của nhân viên về cách tập đoàn này thay đổi lập trường. Tại một buổi họp với các nhân viên có liên hệ đến Ukraine, một số người đã đặt câu hỏi tại sao đến lúc này Meta mới có hành động với các hãng truyền thông Russia Today (RT) và Sputnik - vốn bị nhiều phía quy trách nhiệm lan truyền thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. 

Tuy Meta không có nhân viên tại Nga, tập đoàn cũng đã tổ chức một cuộc họp riêng cho các nhân viên có liên hệ với Nga. Những nhân viên này nói rằng họ lo ngại hành động của chính phủ Nga đối với Meta có thể ảnh hưởng đến mình, bên cạnh những rủi ro khác.

Tùng Phong (Theo The New York Times)