Thế giới

Xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ khiến lạm phát thêm căng thẳng

Áp lực giá cả tăng cao có khả năng sẽ kéo dài hơn so với dự báo trước đó, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới cảnh báo.

Xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine có thể sẽ làm tăng thêm chi phí năng lượng và giá hàng hóa đối với nhiều quốc gia, khiến tỉ lệ lạm phát tăng cao trong thời gian dài hơn, quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm 25/1.

Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất (FDMD) Gita Gopinath nói với Reuters rằng, tình hình bây giờ đã khác xa so với năm 2014 khi Nga sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine, và giá năng lượng giảm khá mạnh trong bối cảnh nhu cầu thấp và nguồn cung khí đá phiến dồi dào.

"Lần này... nếu xung đột leo thang, quý vị sẽ thấy giá năng lượng tăng lên", Gopinath nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. Bà cũng lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại đang diễn ra vào mùa đông và trong bối cảnh trữ lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu thấp hơn bình thường nhiều.

Giá các mặt hàng khác do Nga xuất khẩu cũng đang tăng và có thể gây ra "sự gia tăng lớn hơn, trên diện rộng" đối với giá hàng hóa nếu xung đột gia tăng,

Bà nói với Reuters sau khi bản cập nhật Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) của IMF được công bố.

Nền kinh tế Nga suy giảm 3,7% trong năm 2015 do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt sau khi nước này sáp nhập Crimea. IMF hiện ước tính nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 2,8% vào năm 2022, nhưng dự báo đó không bao gồm những lo ngại về xung đột, Gopinath cho biết.

Vị quan chức hàng đầu của IMF cho biết trong một cuộc họp báo trước đó rằng, sự leo thang của xung đột và các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây đối với Nga có thể sẽ đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên lên cao hơn, khiến chi phí năng lượng của nhiều nước trên thế giới tăng cao.

Đó là bởi vì Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, trang CNN cho biết. Và Ukraine là một trung tâm trung chuyển năng lượng quan trọng, nơi một lượng lớn khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang châu Âu chảy qua.

Điều đó có nghĩa là lạm phát toàn phần, vốn đã ở mức cực cao trên toàn cầu, có thể "tăng cao hơn nhiều trong thời gian dài", Gopinath cảnh báo. Theo đó, nó sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát trở thành cố hữu và bắt đầu vòng xoáy tiền lương-giá cả, bà nói với Reuters.

Bà Gita Gopinath, Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất (FDMD) của IMF. Ảnh: Fortune India

Một cuộc xung đột như vậy cũng sẽ có tác động đến thị trường chứng khoán Nga và đồng tiền của Nga (đồng Rúp), vị quan chức cấp cao của IMF cho biết.

IMF hôm 25/1 đã điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2022 cho cả các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển, đồng thời cho biết áp lực giá cả tăng cao có khả năng sẽ kéo dài hơn so với dự báo trước đó. IMF cũng nhận định rằng, giá cả sẽ giảm xuống vào năm 2023 khi tăng trưởng giá nhiên liệu và thực phẩm được điều chỉnh.

Minh Đức (Theo Reuters, CNN)