Tài chính - Ngân hàng

Xung đột Nga - Ukraine: Chứng khoán, giá dầu, giá vàng sẽ đi về đâu?

Thống kê lịch sử đã chỉ ra rằng các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị khó có thể cản trở đà tăng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Báo cáo chuyên đề công bố mới đây của Chứng khoán VNDirect chỉ ra các số liệu thống kê lịch sử cho thấy các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị phần lớn chỉ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

VNDirect chỉ ra thị trường tài chính quốc tế đã phản ứng tiêu cực khi căng thẳng leo thang ngày 24/2 sau thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ mở chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine. Các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên ngày 24/2. Trên thị trường hàng hóa, giá dầu Brent bật tăng mạnh 2,3% và chốt phiên 24/2 lên mức 99,1 USD/thùng, trong khi giá vàng sụt giảm nhẹ 0,3% xuống 1.904 USD.

Tuy nhiên thị trường chứng khoán đã sớm xuất hiện những động thái bình ổn và phục hồi sau đó. Chỉ số chứng khoán Mỹ có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, với chỉ số S&P tăng 2,2% còn chỉ số Dow Jones tăng 2,5% trong phiên ngày 25/2. Trong khi đó, giá dầu Brent và giá vàng trên thị trường quốc tế đồng loạt hạ nhiệt với mức giảm lần lượt là 1,2% và 0,8%.

Diễn biến của thị trường tài chính trong phiên ngày 24/2. (Ảnh: VND)

"Thống kê lịch sử đã chỉ ra rằng các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị khó có thể cản trở đà tăng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn" - báo cáo của VNDirect nêu. VNDirect cho rằng, thực tế, các quốc gia liên quan như Mỹ và Châu Âu có thể phải tung ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế để hạn chế tác động tiêu cực của các cuộc xung đột đối với nền kinh tế, và qua đó hỗ trợ thị trường chứng khoán. 

"Xung đột Nga - Ukraine hoàn toàn có thể khiến FED phải cân nhắc kỹ hơn về khả năng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp vào giữa tháng 3 tới đây" - báo cáo nêu. 

Lệnh trừng phạt tác động không lớn đến nền kinh tế

Sáng ngày 27/2, Mỹ, Anh, Canada và Ủy ban Châu Âu thông báo chặn kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT - Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu. VNDirect cho rằng việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ gây ảnh hưởng lớn nền kinh tế Nga. Năm 2012, Iran bị cắt kết nối khỏi SWIFT vì chương trình hạt nhân và nước này đã bị mất 50% doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% mậu dịch với nước ngoài.

"Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ ít ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga hơn trường hợp của Iran, do thực tế là châu Âu chịu sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga" - VNDirect nhận định. Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, cung cấp tới 35% nguồn cung cho khu vực này. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn, có thể gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế của Châu Âu.

Theo các chuyên gia, với việc bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng các công cụ truyền thống trước đây như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên ngân hàng và có thể thúc đẩy Nga tham gia các nền tảng công nghệ khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.

Đà tăng của giá vàng có thể sớm kết thúc

Vàng vốn dĩ được coi là "tài sản trú ẩn an toàn" và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. "Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt" - VNDirect cho hay.

Giá vàng thường tăng trong ngắn hạn do xung đột và căng thẳng địa chính trị nhưng nhanh chóng hạ nhiệt sau đó khi tình hình lắng dịu. (Ảnh: VND)

Thống kê lịch sử cho thấy, khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt. Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn. Trong bối cảnh cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần.

"Chúng tôi cho rằng đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi FED đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022" - VNDirect nhận định về thị trường kim loại quý.

Lạm phát năm 2022 sẽ được kiểm soát ở mức 3,4%

Theo các chuyên gia đến từ VNDirect, chứng khoán có xác suất và mức độ tăng giá cao nhất trong giai đoạn 3 tháng tới 1 năm sau các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị.

"Chúng tôi cho rằng tình hình căng thẳng Nga - Ukraine có thể sớm đạt đỉnh và hạ nhiệt. Do đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3-12 tháng tới" - VNDirect chỉ ra.

"Tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn" - VNDirect đánh giá. Nguyên nhân do giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine hiện chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan) và hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Ngoài ra, xung đột giữa Nga - Ukraine có thể khiến áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng lên khi giá dầu và khí đốt có thể neo ở mức cao. Tuy vậy, VNDirect duy trì dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 sẽ được kiểm soát ở mức 3,4% (đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra).

Việt Nam sẽ vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bao gồm gói kích thích kinh tế được thông qua hồi đầu năm và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. "Đây sẽ là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới, từ đó tạo xung lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong năm 2022" - báo cáo nêu rõ.