Gia đình

Xúc động nhật ký Đại uý công an viết cho con trong chiến dịch làm CCCD

"Mẹ đã rưng rưng xúc động, nước mắt chực trào ra khi người dân Diễn Châu nửa đêm mang đến túi ngô luộc nóng hổi và nói “các con ăn đi cho ấm bụng mà làm,..."

Đó là những dòng nhật ký xúc động mà Đại uý Phan Thị Thuỳ Dung, phòng Cảnh sát quản lý hành chính Công an tỉnh Nghệ An viết cho con.

Để đảm bảo tiến độ, bảo đảm những điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khi đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, thời gian qua Đại uý Dung cùng đồng đội luôn tận tụy, đi sớm, về khuya, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm thêm ngày, thêm giờ để phục vụ nhân dân với tinh thần, quyết tâm cao nhất. Chị và đồng đội vẫn miệt mài đêm ngày, dốc hết sức lực và tinh thần, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu trong cao điểm chiến dịch cấp CCCD gắn chip điện tử.

Đại uý Dung cùng đồng đội ngày đêm làm CCCD cho bà con. 

Đọc những dòng nhật ký của Đại uý Dung viết cho con trong chiến dịch làm CCCD, nhiều người rưng rưng nước mắt. Những dòng nhật ký là tình cảm thiêng liêng của ngưởi mẹ dành cho con, trong đó chất chứa bao nỗi niềm và cảm thấy có lỗi khi không đồng hành với con trong những dịp quan trọng, không vỗ về con trong giấc ngủ… Song, đó cũng là niềm tự hào, vinh dự và trọng trách lớn lao của người chiến sỹ công an vì nhân dân phục vụ. Trong nhật ký, nữ Đại uý còn viết về những tình cảm đặc biệt của người dân khiến cho chị và đồng nghiệp rất cảm kích và biết ơn.

Dưới đây là nội dung nhật ký của Đại uý Phan Thị Thuỳ Dung gửi con trai:

Viết cho con trong “mùa chiến dịch”

Có những đêm mệt nhoài, những ngày thiếu ngủ, những bữa ăn vội vàng, những lần phải bỏ lỡ cuộc đồng hành với con trong các hoạt động quan trọng... nhưng mẹ tự hào vì đã đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự thành công của “chiến dịch” đặc biệt này.

Con trai của mẹ!

Khi con đang say giấc nồng, mẹ bỗng không ngủ được dù suốt 2 tháng nay một giấc ngủ thật sâu luôn là điều ao ước. Nhìn con ngủ say, khuôn mặt tựa thiên thần, đôi môi vẫn mỉm cười vì đã lâu lắm rồi mới được mẹ hát ru ngủ, mẹ bỗng thấy có lỗi với con nhiều quá. Nhưng con ơi, vì mẹ là người chiến sỹ công an, luôn thấm nhuần lời dạy “vì nhân dân phục vụ”, nên thời gian qua, mẹ đã chưa làm tốt trách nhiệm của một người mẹ, nhưng mẹ tin rằng, vì con là con của lính, con sẽ hiểu. Sau này lớn lên, con có thể tự hào nói rằng “ngày xưa, mẹ mình là một trong những người đầu tiên tham gia làm căn cước công dân”!.

“Chiến dịch” 50 triệu căn cước công dân mà Bộ Công an triển khai, tỉnh Nghệ An được lựa chọn là 1 trong 10 tỉnh trọng điểm. Với mẹ - một chiến sỹ công an Phòng cảnh sát quản lý hành chính Công an tỉnh Nghệ An - được tham gia chiến dịch quan trọng này là một vinh dự, cũng là trọng trách lớn lao.

Mẹ còn nhớ, khi chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, Đại tá Lương Thế Lộc - Trưởng phòng cảnh sát QLHC Công an tỉnh đã nói: Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta tiến một bước lớn trong công tác quản lý nhân khẩu, tích hợp nhiều loại giấy tờ, giảm thiểu công sức, tiền bạc, giảm phiền hà cho người dân trong việc lưu giữ, quản lý giấy tờ tùy thân, góp phần quan trọng trọng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng, phát triển nền kinh tế số. Khỏi phải nói mẹ đã hồi hộp và lo lắng dường nào, khi chúng ta chỉ có vỏn vẹn 2 tháng để thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ.

Công việc vất vả nhưng Đại uý Dung và đông nghiệp luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Bắt tay vào chiến dịch, mẹ và các đồng đội của mình đã lường trước những khó khăn sẽ phải trải qua. Mọi người đã động viên nhau và động viên chính mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Mẹ không còn biết thứ Bảy hay Chủ nhật, không còn biết ngày nghỉ hay ngày lễ. Công việc nối tiếp nhau, “vắt” từ ngày này qua ngày khác, bởi chỉ một người chậm lại thôi, là cả một “guồng máy” đang rầm rập sẽ bị gián đoạn. Những bữa ăn vội bánh mỳ, những phút ngả lưng mà ngủ say như chết chỉ trong vài phút, những đêm muộn vẫn cặm cụi bên máy... đã quá quen thuộc với những người lính làm công tác quản lý hành chính như mẹ.

Cuộc chiến này không có tiếng súng nhưng đòi hỏi mỗi người lính phải luôn trong tư thế quyết tâm cao nhất. Nhưng cũng không phải không có những tai nạn nho nhỏ đâu con. Lúc viết những dòng này, bên má mẹ bỗng thấy tê tê, cảm giác của cú tát như trời giáng của một công dân là bệnh nhân tâm thần vẫn còn rất rõ. Đau lắm, nhưng vẫn phải nịnh họ để họ hợp tác chụp ảnh mới hoàn thành nhiệm vụ.

Có những lần người dân phải chờ lâu vì đông quá nên to tiếng, mẹ thấy tủi thân lắm nhưng không dám khóc, cũng không dám trách, chỉ cố gắng giải thích giúp họ hiểu và thông cảm. Có những lần vì mưa, việc tiếp nhận hồ sơ làm căn cước công dân bị gián đoạn do mất điện, không bỏ phí thời gian, mọi người hò nhau kéo máy đến địa điểm khác, áo mưa che máy, người ướt dẫm cũng mặc bởi mỗi giây, mỗi phút đều không được bỏ phí.

Khi tham gia chiến dịch mẹ học hỏi được nhiều điều, rằng qua mỗi lần lăn tay là mỗi câu chuyện: bàn tay của cô cậu học sinh mềm mại đổ mồ hôi vì cầm bút nhiều, đôi tay của những người lao động chai sần, thô ráp để nuôi con ăn học, đôi tay ngón mất, ngón còn của những bác thương binh tham gia chiến trường và cả những ngón tay co quoắt của bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam. Chính những hy sinh đó đã thôi thúc mẹ miệt mài trên bàn máy, kiên trì tìm vân tay làm căn cước cho họ.

Nhưng con ơi, lòng dân ta tốt lắm. Mẹ đã rưng rưng xúc động, nước mắt chực trào ra khi người dân Diễn Châu nửa đêm mang đến túi ngô luộc nóng hổi và nói “các con ăn đi cho ấm bụng mà làm”. Là khi một cô bé lúc 2h sáng đưa cho mẹ một cái bánh chưng lót dạ. Là những anh chị học sinh cấp 3 trong lúc chờ đến lượt đã hát cho mẹ và đồng đội nghe. Là khuôn mặt đầy hi vọng của gia đình một bệnh nhân khi được làm gấp căn cước công dân để kịp đi cấp cứu. Chỉ cần người dân tin tưởng và yêu thương, mẹ thấy mình được tiếp thêm sức mạnh nhiều lắm.

Nhưng mẹ cũng chỉ là một người mẹ như bao phụ nữ khác. Mẹ cũng muốn sáng sáng cuống cuồng giục con đến lớp hay có thể tới xem một màn đồng diễn mà con và các bạn dày công luyện tập trong ngày biểu diễn hay đêm về, hít hà mùi mồ hôi của con để nghe con kể chuyện trường, chuyện lớp. Nhưng rồi, công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cứ cuốn mẹ đi, từ 4h sáng đến qua ngày hôm sau, khi trở về con đã say giấc. 2 tháng qua, dẫu chỉ là một đứa trẻ mới 7 tuổi thôi nhưng con dường như đã lớn, đã biết tự lập hơn, biết chăm lo cho bản thân, biết tự giác học bài.

Chiến dịch đang đi đến những ngày cuối cùng, khi mà vừa tham gia chiến dịch cấp cccd vừa tham gia chống dịch covid19, công việc mà mẹ và đồng đội phải làm vẫn đang còn rất nhiều. Có thể mẹ vẫn phải vắng nhà nhiều như trước; con và em vẫn phải tự ăn, tự học, tự chơi; là những bữa cơm vắng mẹ như trước. Mẹ tin, con sẽ hiểu và thông cảm cho mẹ! Bởi mẹ yêu màu áo của mình, nhiều như yêu các con!.

Minh Tâm- Thuỳ Dung ghi