Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu thanh long sang Anh vẫn diễn ra bình thường

Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được một thông báo nào của Vương quốc Anh về việc ngừng nhập hay tăng tần suất kiểm tra với thanh long Việt Nam.

 

Báo Tiền Phong dẫn nguồn Thương vụ Việt Nam tại Anh, một số siêu thị ở nước này đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia, sau khi phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu trên hàng được bán ra thị trường.

Cùng với đó, cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh đang đề xuất đưa thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

Theo TTXVN, trước đó, vào ngày 17/7/2023, Văn phòng SPS Việt Nam nhận Công văn số 409/QLCL-HTQT của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về việc Vương quốc Anh dự kiến tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm quả thanh long.

Nắm bắt được thông tin, ngày 26/7, Cục Bảo vệ thực vật gửi Công văn số 1892/BVTV-ATTPMT phản hồi đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam tại Vương quốc Anh.

Đến ngày 2/8, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thông tin tới đầu mối SPS của Vương quốc Anh. Theo đó, Văn Phòng SPS Việt Nam đề nghị Vương quốc Anh giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long của Việt Nam cho đến khi 2 bên có đầy đủ căn cứ.

Đồng thời, đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam nghiên cứu có ý kiến.

Hiện Văn phòng SPS Việt Nam đang chờ phản hồi từ cơ quan đầu mối về kiểm dịch động thực vật của Vương quốc Anh. Văn phòng SPS Việt Nam đã và đang đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam xem xét.

Để doanh nghiệp, người sản xuất biết và đáp ứng đầy đủ các quy định của phía nhập khẩu, Văn phòng SPS Việt Nam thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, tuyên truyền, cập nhật kịp thời các quy định về kiểm dịch động thực vật của các thị trường. Qua đó, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã và các bên liên quan có thể kịp thời điều chỉnh sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường và nâng cao chất lượng hàng nông sản Việt.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu thanh long sang thị trường này 625 tấn thanh long, trong khi xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 2.000 tấn/năm.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đơn vị đang đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam xem xét. Bên cạnh đó, đề nghị đầu mối SPS của Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá rủi ro đối với thanh long của Việt Nam.

"Việt Nam đặc biệt quan tâm đến chất lượng nông sản và quản lý an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường nên thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ. Riêng thị trường Anh, 6 tháng đầu năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được cảnh báo nào về việc thanh long của Việt Nam vi phạm quy định về SPS", TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Do đó, Văn phòng SPS đề nghị Vương quốc Anh giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long của Việt Nam cho đến khi 2 bên có đầy đủ căn cứ thay đổi tần suất.

Thanh long Việt Nam xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới. Ảnh minh họa.

Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết thị phần của thị trường Anh không lớn đối với ngành rau quả nói chung và thanh long nói riêng. Tuy nhiên, việc nước này dự kiến nâng tần suất kiểm tra thanh long gây tác động tâm lý lên thị trường.

"Nếu tần suất kiểm tra nâng lên 50%, coi như Việt Nam mất thị trường Anh bởi thanh long sau khi kiểm tra phải bỏ đi, chưa kể thời gian kiểm tra khiến sản phẩm xuống phẩm chất. Điều này đẩy giá thành thanh long tại Anh lên rất cao, hàng Việt rất khó cạnh tranh" – ông Nguyên nhấn mạnh.

Ông Nguyên cho rằng cái khó của thanh long Việt Nam tại châu Âu nói chung và Anh nói riêng là Tây Ban Nha cũng trồng được loại cây này nên sẽ có những rào cản được dựng lên, gây khó khăn cho sản phẩm nhập khẩu.

Thanh long Việt Nam có chất lượng rất tốt, được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới

Thông tin trên Người Lao Động, Cục Bảo vệ thực vật cho hay, thanh long Việt Nam có chất lượng rất tốt, được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Liên hiệp Anh. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU 2.000 tấn thanh long tươi và đông lạnh.

Từ hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF), các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như cơ quan hữu quan Việt Nam có thể tra cứu thông tin cảnh báo các vi phạm về an toàn thực phẩm với thị trường EU. Với thị trường Liên hiệp Anh, đến nay, Việt Nam chưa nhận được thông báo vi phạm nào.

Đáng chú ý mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Anh thông tin Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Scotland (FSS) đang tham vấn công khai về sửa đổi quy định pháp lý liên quan việc kiểm định trái thanh long Việt Nam.

Theo đó, FSA và FSS dự kiến đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường). 

Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng cho hay một số siêu thị ở vương quốc này đã dừng bán thanh long Việt Nam để chuyển sang bán thanh long Campuchia hoặc Tây Ban Nha.

Trúc Chi (t/h)