Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu nông sản bứt phá ngoạn mục bất chấp dịch Covid-19

Tính đến đầu tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đã chạm sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản cũng được dự báo sẽ thắng lớn trong năm nay.

Đơn đặt hàng tăng 

Là một doanh nghiệp (DN) lớn xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T cho biết, đến thời điểm này DN đã quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường.

Theo ông Tùng, sau khi sản lượng xuất khẩu bị giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội, hơn 2 tháng chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn”, các đơn hàng Vina T&T tăng tới tấp, khoảng 30-40%. Các đối tác cũng liên tục đặt hàng phục vụ cho dịp lễ Giáng sinh, thậm chí không ít đơn vị đặt trước cho cả quý 1 năm sau.

“Công ty phải huy động 100% công nhân làm việc liên tục và tăng ca mới đáp ứng kịp các đơn hàng. Nhiều mặt hàng như vú sữa, sầu riêng, DN có đến đâu, tiêu thụ đến đó. Các nguyên liệu thu mua trong đợt cao điểm giãn cách xã hội cũng được xuất đi hết. Công ty phải mở rộng liên kết với người dân, hợp tác xã để có đủ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của thị trường”, ông Tùng chia sẻ.

Công nhân làm việc tích cực nhằm đảm bảo đơn hàng. (ảnh minh họa)

Ông Tùng cho biết, đến thời điểm này, DN tự tin đạt được doanh số cao hơn năm ngoái. Thậm chí, nếu tình hình kẹt cảng ở Mỹ và thiếu container được giải quyết sớm, DN sẽ có doanh thu cao nhất trong mấy năm gần đây.

Năm nay, dù có lúc hoạt động xuất khẩu bị chững lại do khó khăn trong việc vận chuyển, song nhiều loại nông sản của Việt Nam lại đạt được giá cao, góp phần kéo giá trị của ngành tăng vọt. Đơn cử, giá tiêu thế giới ở ngưỡng cao nhất trong vòng 3 năm giúp xuất khẩu tiêu của Việt Nam dù giảm về khối lượng nhưng tăng tới 44% về giá trị; hay giá cao su, gạo cũng tăng lần lượt tới 40% và hơn 7%.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, ba tháng trước, khi các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách phòng, chống dịch, hoạt động xuất khẩu của DN dường như bị ngưng trệ hoàn toàn. Có lúc DN không dám ký hợp đồng mới do sợ giao hàng không kịp hoặc không giao được. “Rất may 2 tháng hoạt động trở lại, gạo Việt được giá, có lúc tăng 10-15%, giúp DN hồi phục mạnh mẽ. Hiện, DN đang ‘’chạy’’ để trả các đơn hàng đối tác đặt trong năm, dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm nay”, ông Có nói.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết xuất khẩu hồ tiêu cả năm 2021 có thể đạt khoảng 900 triệu USD, tăng 250 triệu USD so với năm ngoái. Dịch bệnh gây khó khăn rất lớn đối ngành hồ tiêu nhưng các doanh nghiệp (DN) đã tổ chức nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn. Trong đó, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, khách hàng truyền thống cũng như khách hàng mới để bảo đảm xuất khẩu thuận lợi nhất. Đồng thời, liên kết với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững. DN cũng tăng dần giá thu mua nguyên liệu trong dân từ 40.000 đồng/kg trong năm ngoái lên 80.000 đồng/kg như hiện nay.

Cán sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD 

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 43,5 tỷ USD (tăng 14%), cán sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD đặt ra trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19 tỷ USD (tăng gần 14%); lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD (tăng 21%)…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả này là sự thừa hưởng từ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua khi xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Tiến, năm nay khi thị trường Trung Quốc gặp khó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng tìm hướng đi mới, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Đến nay, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 12 tỷ USD; thị trường Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD; Nhật Bản gần 3 tỷ USD và Hàn Quốc đạt khoảng 1,9 tỷ USD…

“Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận trong việc giải quyết vấn đề nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp. Đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là năm 2022, khi xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới hơn 67% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này”, Thứ trưởng Tiến nói.

“Trái ngọt” từ việc xây dựng được vùng nguyên liệu xuất khẩu

Lý giải cho những tín hiệu tích cực nói trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả này là sự thừa hưởng từ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua khi xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Tiến, năm nay khi thị trường Trung Quốc gặp khó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng tìm hướng đi mới, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đến nay, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 12 tỷ USD; Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD; Nhật Bản gần 3 tỷ USD và Hàn Quốc đạt khoảng 1,9 tỷ USD…

“Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận trong việc giải quyết vấn đề nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp.

Đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là năm 2022, khi xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới hơn 67% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này”, Thứ trưởng Tiến cho hay.

Một trong những ngành bứt tốc ấn tượng, thứ trưởng Tiến nhận định: Nếu tháng 12/2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 800 triệu USD thì xuất khẩu thủy sản cả năm có thể đạt 8,7 tỷ USD – đây là kết quả đáng tự hào.

Bởi theo vị Thứ trưởng, suốt từ tháng 7 đến hết tháng 9/2021, ngành thủy sản gần như bị “đóng băng” toàn bộ hoạt động nuôi thả, chế biến, xuất khẩu... khi dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều địa phương phải giãn cách nhiều tháng.

Nguồn cung nguyên liệu và nhân lực lao động bị đứt gãy, hàng loạt nhà máy chế biến phải đóng cửa, khó khăn chồng chất. Chỉ từ tháng 11/2021, với sự hỗ trợ từ Nghị quyết 128/NQ-CP, nhiều doanh nghiệp đã hồi phục được năng lực sản xuất từ 70-90%.

“Nhờ đó, kết quả sản xuất, kinh doanh ngành thủy sản đã hồi phục mạnh mẽ vào cuối năm”, ông Tiến nhấn mạnh.

Singapore muốn hợp tác sản xuất nông sản, thực phẩm chế biến với Việt Nam

Không chỉ ghi dấu trên bản đồ xuất khẩu hàng nông sản, Việt Nam còn là một địa chỉ hấp dẫn trong việc hợp tác xuất khẩu nông sản.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết: Mặc dù không có nền nông nghiệp nhưng Singapore lại có tỷ trọng xuất khẩu thực phẩm chế biến rất lớn. Nước này còn có 'tham vọng' trở thành Trung tâm Halal toàn cầu (thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật hồi giáo) và dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành thực phẩm chế biến. Các nhà sản xuất thực phẩm chế biến rất quan tâm đến khâu nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp của Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để xuất khẩu nguyên liệu sản phẩm cho thực phẩm chế biến nói chung và thực phẩm Halah nói riêng.

Bên cạnh đó, Singapore cũng có vai trò là quốc gia trung chuyển hàng hóa sang thị trường nước thứ 3. Các nhà nhập khẩu Singapore có mạng lưới quan hệ với các bạn hàng người Hoa trên khắp thế giới, nhập khẩu hàng hóa từ nhiều nước để trung chuyển sang các nước rất đặc thù mà các doanh nghiệp nước khác khó tiếp cận.

Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong khối ASEAN cùng ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Trong đó, theo Hiệp định Thương mại tự do EU - Singapore (EUSFTA), phía EU dành cho Singapore hạn ngạch xuất khẩu 2.500 tấn thực phẩm, và con số này đối với hiệp định thương mại tự do giữa Singapore và Vương quốc Anh (UKSFTA) là 500 tấn. Cho đến nay, lượng hàng xuất khẩu của Singapore vào các thị trường này vẫn chưa đạt được các hạn ngạch trên.

Trong khi đó, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam với nhãn hiệu của Singapore hoặc các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu từ Việt Nam sản xuất cho các sản phẩm của Singapore vẫn được hưởng miễn thuế vào các thị trường trên.

"Các doanh nghiệp của Singapore có sự quan tâm lớn đến nguồn cung hàng hóa của Việt Nam, tìm kiếm các đối tác nhằm khai thác nguyên tắc xuất xứ, nguyên tắc xuất xứ cộng gộp của các hiệp định đã ký kết", bà Trần Thu Quỳnh cho hay.

Hương Anh (tổng hợp)