Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Bài toán đường dài, không đặt cược vào may rủi

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 14,2 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 14,2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 8,0 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước trên 6,2 tỷ USD, tăng 10,0%; xuất siêu gần 1,8 tỷ USD, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, giảm 3,5%; thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 47,2%; lâm sản chính đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 17,0%.

Một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê tăng 35,6%; cao su tăng 6,6%; gạo tăng 22,3%; hồ tiêu tăng 43,8%; sữa và sản phẩm sữa tăng 11,1%; cá tra tăng 83,3%; tôm tăng 34,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,5%, …

Những mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, như: Chè giảm 10,8%; rau quả giảm 12,3%, hạt điều giảm 2,4%. 

Việt Nam bán nông sản nhiều nhất sang Hoa Kỳ

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ giữ vị trí đứng đầu với giá trị đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 28,2% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD (chiếm 16,2% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm tới 33,3% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này.

Rau quả không còn là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Ảnh: Tiền Phong. 

Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD (chiếm 7,3% thị phần) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất, chiếm 44,8% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này.

Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 376 triệu USD (chiếm 4,7% thị phần) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất, chiếm 51,6% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này.

Không đặt cược vào may rủi 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả đạt con số tăng trưởng cao trong tháng đầu năm là nhờ những thị trường mới. Hoạt động xuất khẩu được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán, những lô hàng xuất bán đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Úc... góp phần tạo nên doanh thu xuất khẩu ấn tượng.

Vài năm trở lại đây, Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Cơ cấu thị trường trong năm 2021 có sự chuyển dịch rõ rệt khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang EU, Mỹ tăng, còn tỷ trọng xuất sang thị trường Trung Quốc giảm dần.

Năm 2022, hoạt động xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang thị trường mới tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, xuất khẩu rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay.

Trong khi đó, theo thông tin từ báo Vietnamnet, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội tại thị trường EU. Các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại để nâng cao thị phần.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kỷ lục mới. Ảnh: Vietnamnet. 

Về xuất khẩu thuỷ sản, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2022, Bộ sẽ đẩy mạnh để đạt mục tiêu vượt 9 tỷ USD. Năm 2021 dù khó khăn vẫn đạt giá trị xuất khẩu 8,9 tỷ USD.

“Tuy nhiên, chúng ta không thể yên tâm những gì đã có, phải đủ năng lực để phản ứng với những yêu cầu của thị trường để duy trì đà tăng trưởng, duy trì giá trị xuất khẩu để Việt Nam trở thành bếp của thế giới”, ông nói.

Ông Tiến khuyến cáo, các thị trường quan trọng Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều có quy chuẩn riêng. Các doanh nghiệp, trang trại, người nông dân phải hiểu rằng phải bán gì người ta cần chứ không phải bán cái gì ta có.

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ quý 1/2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ông vừa gặp gỡ nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân ở ĐBSCL và thấy rằng xung lực, hay khả năng phục hồi nhanh của doanh nghiệp sau dịch Covid-19.

Nhiều nông sản, trái cây như thanh long, mít, xoài... được mùa, được giá. Do đó, ông tự tin năm 2022, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sẽ đạt và vượt 50 tỷ USD.

Song, Bộ trưởng nhấn mạnh, không thể đánh cược trên sự may rủi thị trường mà phải phấn đấu để làm chủ được thị trường. Khi mở cửa được thị trường, cần xây dựng và chuẩn hoá vùng nguyên liệu.

Thời gian tới, nếu xây dựng được chiến lược xuất khẩu cho từng mặt hàng, hệ thống lại vùng sản xuất theo xu hướng chung của thế giới (hướng tiêu dùng xanh), tính toán giảm chi phí đầu vào sản xuất, xây dựng được đồng bộ hệ thống logistics... thì xuất khẩu nông sản không chỉ đạt và vượt 50 tỷ USD mà còn đảm bảo bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tự tin.

Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu nông sản cho hơn 1.600 doanh nghiệp Việt Nam

Chiều 1/3, Văn phòng Bộ Công thương thông tin, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấp mã số xuất khẩu cho hơn 1.600 doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc. 

Theo thông báo từ Văn phòng SPS Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 22/2, tổng cộng đã có 1.656 doanh nghiệp Việt Nam được cấp mã số theo quy định mới về giám sát vùng trồng và theo dõi, truy xuất nguồn gốc nông sản khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (áp dụng theo Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc).

Trong đó bao gồm: 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn; 187 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đề xuất đã được cấp mã, tuy nhiên do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% khối lượng theo đề xuất Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đăng ký và đang tiếp tục; 11 doanh nghiệp xuất khẩu sữa thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); số còn lại là mã số cấp cho doanh nghiệp thực hiện theo loại hình tự đăng ký và doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công thương, Bộ Y tế.  

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, khó khăn hiện nay là tiến độ phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp. Đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% so với danh sách đăng ký của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam...

 

Hương Anh (tổng hợp)