Thế giới

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine phục hồi gần bằng mức trước xung đột

Lượng nông sản xuất khẩu của Ukraine trong tháng 8 này sắp đạt 4 triệu tấn, gần bằng mức 5 triệu tấn trước khi xảy ra xung đột với Nga.

Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương lớn nhất thế giới với tổng khối lượng ước đạt 5 triệu tấn trước tháng 2/2022.

Lượng xuất khẩu bắt đầu nhỏ giọt khi xung đột với Nga bùng nổ. Điều này góp phần làm tăng đột biến giá lương thực toàn cầu bên cạnh lạm phát.

Tuy nhiên mới đây, ngày 24/8, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong tháng này, lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine sắp đạt mức tương đương trước khi xảy ra xung đột. Đây là thành công của các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.

"Nhờ hợp tác quốc tế sâu rộng, Ukraine đang trên đà xuất khẩu tới 4 triệu tấn nông sản trong tháng 8", vị quan chức Mỹ nói với Hãng thông tấn AFP ngày 24/8.

Thông qua vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tháng 7 vừa qua, Ukraine và Nga đã đạt một thỏa thuận đầu tiên kể từ khi xảy ra xung đột, theo đó đảm bảo tàu xuất khẩu nông sản được xuất phát từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen. Nỗ lực này đã giúp vận chuyển hơn 720.000 tấn ngũ cốc từ các cảng thông qua 33 chuyến tàu trong vài tuần qua.

Thêm vào đó là sáng kiến mang tên "Những con đường đoàn kết" được Liên minh châu Âu (EU) thiết lập nhằm vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua đường sông, đường sắt và đường bộ.

Theo đó, sáng kiến này đã huy động và khuyến khích các phương tiện bao gồm cả xe tải đến biên giới Ukraine nhận hàng hóa. Phía EU cũng giải quyết các khó khăn trong vận chuyển đường sắt giữa Ukraine với châu Âu, chủ yếu do các toa tàu của Ukraine không tương thích với chuẩn đường ray châu Âu. Theo tính toán của Mỹ, sáng kiến của EU đang giúp Ukraine xuất khẩu từ 2,5 - 3 triệu tấn nông sản/tháng tới EU và các thị trường quốc tế khác.

Trong khi đó, theo thỏa thuận được ký kết tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Nga cũng sẽ được đảm bảo xuất khẩu thực phẩm và phân bón mà không phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo lý giải của Liên hợp quốc, thế giới có thể đối mặt với tình trạng thiếu nông sản trong năm tới nếu xuất khẩu phân bón của Nga bị gián đoạn.

Tuần trước, Mỹ cũng cho biết đã đóng góp thêm 68 triệu USD cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) để mua 150.000 tấn ngũ cốc của Ukraine nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

WFP trước đó cảnh báo khoảng 22 triệu người đang sắp chết đói tại các nước ở vùng Sừng châu Phi, nơi chi phí cho lương thực nhập khẩu đang tăng cao. Việc Ukraine nối lại xuất khẩu lương thực qua biển Đen và các sáng kiến quốc tế khác được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá lương thực cùng các mặt hàng khác toàn cầu.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)