Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu lá cây nguyệt quế 8 tháng thu về 22 tỷ đồng

Lá cây nguyệt quế có vị cay nhưng tốt cho sức khỏe nên được nước ngoài ưa chuộng. Tính trung bình trong 8 tháng sản lượng xuất khẩu lá nguyệt quế đạt 903 nghìn USD.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023 sản lượng xuất khẩu các loại lá đạt 764 nghìn USD, giảm 32,4% so với tháng 8/2022. Tính trung bình trong 8 tháng đầu năm thì việc xuất khẩu các loại lá thu về 4,56 triệu USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian qua các loại lá chanh, chuối, vải, tre, khoai lang đua nhau trên đà giảm ở mức hai con số, thì ngược lại mặt hàng lá cây nguyệt quế lại ghi nhận mức tăng kỉ lục với kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 tăng 1.483,1% tương đương với số tiền thu về 51 nghìn USD.

Cụ thể, tính trung bình trong 8 tháng đầu năm thì sản lượng xuất khẩu lá nguyệt quế đạt 903 nghìn USD (khoảng 22 tỷ đồng), tăng đột biến tận 2.090,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng của mặt hàng này cũng tăng cao từ 0,7% lên 19,8% chỉ trong vòng 1 năm.

Tính đên tháng 7/2023, tại thị trường trong nước, giá lá nguyệt quế khô đang được các công ty nông sản bán ra với mức 450.000-550.000 đồng một kg. Tại các siêu thị ở Mỹ, giá lá nguyệt quế dao động 1,5-2 triệu đồng một kg.

Lá nguyệt quế có chiều dài khoảng 6–12cm và chiều rộng khoảng 2–4cm. Hình dạng của lá rất đặc trưng bởi mép lá nhăn và có khía răng cưa đều đặn. Ảnh minh họa.

Việt Nam là nước xuất khẩu gia vị hàng đầu thế giới

Gia vị Việt được thế giới ưa chuộng, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu gia vị: Đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.

Thông tin trên VTV, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm gia vị. Năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.

Theo số liệu từ Tổng cục Lâm Nghiệp, giá trị xuất khẩu quế - hồi đã liên tục tăng, năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, chiếm hơn 8,3% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả. Năm ngoái đã tăng lên 276 triệu USD. Kết quả này, có vai trò quyết định không nhỏ từ việc chuyển các vùng nguyên liệu sang hữu cơ hoặc hướng hữu cơ.

Đề xuất giải pháp để Việt Nam duy trì nước xuất khẩu gia vị top đầu thế giới

TC Kinh tế & Đô thị dẫn nguồn Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) thông tin, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng 2023 đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng 2023 đã cao hơn tổng kim ngạch của cả năm 2022 là 3,36 tỷ USD.

Trong khi đó, về nhập khẩu, trong tháng 8, Việt Nam chi ra hơn 186 triệu USD nhập khẩu rau quả, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả 8 tháng đạt 1,27 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 8 tháng năm nay, ngành hàng rau quả xuất siêu trên 2,1 tỷ USD.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gia vị của Việt Nam trong 8 tháng 2023 đạt trên 1 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu gia vị: Đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.

Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu.... Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nhận định, bối cảnh xuất khẩu nông sản trong đó có gia vị thời gian tới còn nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm trong ngắn hạn, hồi phục trong trung hạn nhưng tốc độ sẽ rất chậm, thương mại và quy mô thị trường hàng hóa thế giới tăng trưởng theo từng khu vực.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, xu hướng tăng cường áp dụng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm bảo hộ mậu dịch và các ngành sản xuất trong nước.

Xu hướng gia tăng cạnh tranh chiến lược, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt; chiến tranh thương mại giữa các cường quốc sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó dự báo.

Do vậy, đề xuất một số giải pháp về thúc đẩy xuất khẩu gia vị, rau quả, TS Nguyễn Văn Hội lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics xuất khẩu gia vị, rau quả;

Thúc đẩy xuất khẩu gia vị, rau quả cần gắn với đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;

Bên cạnh đó tăng tỷ trọng các sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Lá nguyệt quế là lá gì?

Lá nguyệt quế (bay leaves) có xuất xứ từ Địa Trung Hải. Lá nguyệt quế có vị cay cay, đắng, thơm, hay dùng để nấu phở - món ăn phổ biến của người Việt.

Nhiều người dùng loại lá này cũng được dùng để ướp, xào, nêm nếm, khử mùi tanh của thịt cá. Ngoài ra, lá nguyệt quế còn có nhiều tác dụng trong đông y như giúp giảm các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp, dùng xua đuổi côn trùng.

Đặc biệt, không chỉ làm gia vị, lá nguyệt quế còn có lợi về phương diện sức khỏe. Theo đó, trong lá nguyệt quế có 2 thành phần kháng viêm là mycrene và eugenol, khi gặp lửa sẽ dễ dàng bay hơi. Do đó, đốt lá nguyệt quế để hít có tác dụng giảm các triệu chứng sưng viêm liên quan tới hệ hô hấp. Tinh dầu nguyệt quế giúp phổi được làm sạch, giảm sự đông đặc phổi, đường thở thông thoáng, hô hấp thuận lợi. Người bị hen suyễn, dị ứng hoặc mắc các bệnh về hô hấp có thể đốt và ngửi lá nguyệt quế để cải thiện tình trạng.

Bên cạnh đó, lá cây nguyệt quế chứa rất nhiều vitamin C là một loại vitamin có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, qua đó giúp tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe.

Những năm trở lại nay, lá nguyệt quế Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU.

Trúc Chi (theo VOV, VTV, Saostar)