Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu hồ tiêu: Nhắm đến thị trường trọng điểm và bài toán chuỗi giá trị

Hiện giá tiêu bắt đầu tăng lại sau thời gian giảm mạnh, tuy nhiên, loại nông sản này chủ yếu ở dạng thô, giá trị chưa tương xứng với tiềm năng.

  Đầu tháng 8/2023, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước điều chỉnh tăng mạnh 1.000 đồng/kg. Theo đó, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên được thương lái thu mua quanh mốc 68.000 – 69.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu Chư Sê, Gia Lai đang được thương lái thu mua ở mức 68.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Giá tiêu Đắklắk và giá tiêu tại Đắk Nông ở mức 69.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu cũng tăng 1.000 đồng/kg. Hiện giá tiêu tại khu vực này đang được thu mua quanh mốc từ 70.000 – 71.500 đồng/kg. Theo đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mốc 70.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Giá tiêu Bình Phước ở mức 70.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Giá tiêu Bà Rịa Vũng Tàu vẫn có giá cao nhất và hôm nay được thương lái thu mua ở mức 71.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.

Thế nhưng, sau nhiều năm “được mùa mất giá”, nông dân nhiều nơi đã không còn mặn mà với loại nông sản này. Tại thôn Ia Sâm, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, hơn 6 năm trở lại đây, một số hộ dân đã chuyển đổi những diện tích hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Nông dân Lưu Văn Tuấn, trú tại thôn Ia Sâm kể, trước đây gia đình ông có hơn 2 ha trồng hồ tiêu và cà phê. Cây hồ tiêu một thời từng được ví như "cây vàng đen" bởi hễ nhà nào trồng là có tiền. Tuy nhiên, diện tích cây trồng này sau đó phần bị dịch bệnh dẫn đến chết, phần thì kém hiệu quả dẫn đến năng suất thấp khiến gia đình ông gần như trắng tay.

Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới.

Tương tự, những năm trước đây, giá tiêu trong nước liên tục giảm mạnh, khiến nhiều người dân trồng tiêu trên địa bàn xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang gặp khó khăn do thua lỗ. Nhiều hộ không còn trụ vững, đã chuyển từ trồng tiêu sang cây trồng khác.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có khoảng 493ha tiêu; so cùng kỳ năm 2022, diện tích cây tiêu giảm khoảng 52%. Không chỉ giảm về diện tích, năng suất hồ tiêu hiện cũng giảm nhiều so với trước.

Anh Trương Mỹ Thuận, hộ dân trồng tiêu tại xã Dương Hòa cho biết: “Hiện giá tiêu bán ra tại vườn có mức dao động 60.000-65.000 đồng/kg. So với năm trước, giá tiêu có tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so thời điểm đỉnh cao cách đây 5 năm, giá tiêu lên đến 120.000-140.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá phân bón, nhân công, chi phí bơm tưới đều tăng cao, với giá tiêu hiện tại, nông dân trồng tiêu lỗ nặng".

Hướng đến thị trường trọng điểm

Để xuất khẩu hồ tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cho rằng, cần đầu tư nâng tỷ lệ sản phẩm đã qua chế biến lên cao hơn, giảm tỷ lệ xuất khẩu tiêu thô, nhưng việc này không dễ. Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam khó bước chân vào các chuỗi thực phẩm lớn của thế giới, để có thể cung ứng sản phẩm tiêu xay.

Mỗi năm, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk thu về khoảng 25 triệu USD từ xuất khẩu hạt tiêu nguyên liệu cho các công ty gia vị lớn. Dù việc xuất khẩu thô giá trị không cao, nhưng đầu tư một dàn máy xay hạt tiêu theo đúng chuẩn họ mất vài chục triệu USD.

"Khi bán hàng chúng tôi gặp nhiều trở ngại do chưa kết nối được với đơn vị mua hàng. Ví dụ mình phải đàm phán được với một đơn vị tiêu thụ, công ty gia vị hay thực phẩm nào, họ phải đảm bảo bao tiêu sản phẩm", ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk chia sẻ.

Các doanh nghiệp cho rằng, muốn làm tiêu chế biến, cần phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn, từ vùng nguyên liệu canh tác tiêu phải an toàn, đến hệ thống nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Như vậy sản phẩm mới có thể vào được thị trường lớn đòi hỏi chất lượng cao.

Như Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu trồng tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 10.000 ha trong 5 năm tới. Theo họ, doanh nghiệp phải kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, sau đó mới tính đến việc xuất khẩu sản phẩm chế biến.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam cho hay: “Doanh nghiệp cần xây chuỗi giá trị và hợp tác trực tiếp với người nông dân. Người nông dân là người trồng và trực tiếp canh tác cũng như chăm sóc cây tiêu. Nếu doanh nghiệp hiểu được kỹ thuật và đào tạo, hỗ trợ trong việc phát triển theo mô hình chuỗi giá trị và hướng đến sản xuất sạch”.

Nhiều năm qua, Công ty CP Phúc Sinh vẫn là một trong những đơn vị xuất khẩu tiêu nhiều nhất cả nước, đa phần xuất thô. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khẳng định đã đến lúc chuyển hướng toàn bộ sản phẩm thô qua chế biến để xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp có 3 vùng nguyên liệu lớn, liên kết với 6.000 nông trại, vùng nguyên liệu tiêu bền vững tiếp tục được mở rộng với tốc độ 15 - 20% mỗi năm.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh chỉ ra, doanh nghiệp cần “tập trung vào phát triển chiều sâu, hướng tới những nước trả tiền cho sản phẩm đẹp, chất lượng cao”.

Việc phát triển vùng tiêu nguyên liệu bền vững, đảm bảo kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với người nông dân. Đây là cách ngành tiêu đang làm để tái cơ cấu lại ngành theo hướng bền vững, đi sâu vào chế biến, thay vì mở rộng sản lượng như trước kia.

Giữ vị thế xuất khẩu gia vị

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu năm 2022, trong đó phải kể đến vị trí hàng đầu, chiếm thị phần nhập khẩu lớn tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông của một số gia vị Việt Nam như hồ tiêu, quế và hồi…

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.