Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu gỗ lấy đà tăng trưởng, doanh nghiệp “quay cuồng” vì chi phí

Đơn hàng đã trở lại sau đợt sụt giảm giúp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn băn khoăn khi chi phí nguyên liệu đầu vào, vận chuyển đều tăng.

Nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Xuất khẩu gỗ đã lấy lại đà tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ, ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tượng nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hong Kong (Trung Quốc). Đáng chú ý, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường tăng cao nhất với con số đạt trên 20%.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ...

Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Để có đà tăng trưởng trở lại là nhờ một phần nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu đang dần quay trở lại.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh để thu hút các đơn hàng.

Còn đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh cho hay, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh là nhờ tín hiệu tích cực từ các thị trường Mỹ, EU. Trong đó Mỹ vẫn đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, chiếm 55% trong tổng kim ngạch.

Vì vậy, việc theo kịp các xu hướng mới nhất tại thị trường Mỹ là điều các doanh nghiệp đang hướng tới để đáp ứng thị hiếu chi tiêu của người dân nước này.

Hiện nay, chưa phải là mùa cao điểm nhưng mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu từ 1,2 -1,4 tỷ USD các sản phẩm gỗ. Với mức tăng như hiện nay, những tháng cuối năm vào mùa cao điểm mua sắm của các nước có thể tăng lên từ 1,6 - 1,8 tỷ USD, nên mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD trong năm nay của Việt Nam có thể hoàn thành.

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chỉ ra, thị trường gỗ đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều ở mức cao, nhờ tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên.

Cùng với đó, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã cập nhật nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.

Điều này cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng trị giá xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp xoay xở khi chi phí tăng

Gần đây, cước tàu biển gần đây tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 tại một số tuyến Việt Nam đi quốc tế, do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, đa số doanh nghiệp xuất khẩu FOB, tức người mua trả tiền vận chuyển. Tuy nhiên, giá cước tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc khách hàng cân nhắc có nên tiếp tục đặt đơn những tháng cuối năm hay không.

“Kết hợp giữa xu hướng tiêu dùng thị trường Mỹ và giá cước, triển vọng đà phục hồi đơn hàng cuối năm khó đoán hơn. Nếu nhu cầu thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng tốt, nhà nhập khẩu mới tính toán đủ lời để chịu phí cước tăng và tiếp tục đặt hàng cho mùa cuối năm. Đó là một ẩn số", ông Khanh nói.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, chi phi đầu vào tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển đều tăng do bất ổn tình hình thế giới.

“Hiện nay, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, kinh doanh cần quản trị tốt hơn rất nhiều. Các yếu tố đầu vào gia tăng, chi phí tăng nhưng giá bán đầu ra phải cạnh tranh bị ép giá rất nhiều”, ông Hoài băn khoăn.

Do đó, các doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp trong nước và FDI cần có sự liên kết, hợp tác nhiều hơn. Trước nay có tình trạng mạnh ai người đó làm, các doanh nghiệp đơn lẻ ra thị trường quốc tế chứ không phải tư cách một ngành hàng, một quốc gia, nên đôi khi bị “thua thiệt”, bị ép giá, không đủ năng lực để đáp ứng các đơn hàng lớn.

Từ khuyến cáo của VIFOREST, các doanh nghiệp đang tính khả năng tận dụng xu hướng “friend shoring”, tức tạo nguồn cung thân hữu liên kết với đối tác EU và khu vực Bắc Mỹ, Trung Mỹ để sản xuất đồ gỗ, xuất khẩu vào EU và Mỹ, tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải, tránh được rủi ro, bất trắc gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm nay, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 17,5 tỷ USD.

Đến nay, nội lực của doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã và đang được cải thiện rất lớn. Các doanh nghiệp đang thay đổi mạnh mẽ tư duy quản lý, quản trị doanh nghiệp theo mô hình chuyên nghiệp, đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và công nghệ thân thiện với môi trường.

Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Hoài kiến nghị tạo điều kiện có cơ chế thúc đẩy để doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và nông dân trồng rừng liên kết tốt hơn. Ví dụ như liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và nông dân trồng rừng, cần “chất xúc tác” để hai bên cùng bắt tay hợp tác, tạo nguyên liệu có nguồn gốc được truy suất dễ dàng, tuân thủ pháp luật.