Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu gỗ đón những tín hiệu khởi sắc sau quãng thời gian ảm đạm

Xuất khẩu gỗ đang có tín hiệu phục hồi, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể đạt 14,5 tỷ USD trong năm 2023 thay vì 17 tỷ USD như đã đề ra.

Xuất khẩu gỗ có tín hiệu phục hồi nhưng khó có thể đạt mục tiêu 17 tỷ USD như đã đề ra

Chia sẻ tại họp báo về Triển lãm Quốc tế máy móc và thiết bị ngành công nghiệp chế biến gỗ (VietnamWood 2023) tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh chiều 13/9, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, Xuất khẩu gỗ đang có tín hiệu phục hồi, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu năm 2023 khó có thể đạt mục tiêu 17 tỷ USD như đã đề ra hồi đầu năm. Dự kiến từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt được khoảng 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả năm lên khoảng 14 - 14,5 tỷ USD.

Theo ông Phương, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ diễn biến không mấy tích cực, tình trạng thiếu hụt đơn hàng phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp. Trong 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt khoảng 8,3 tỷ USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ.

Đặc biệt từ tháng 5/2023 đến nay, tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan, bình quân mỗi tháng có thể đạt trên 1,2 tỷ USD/tháng. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 - 14,5 tỷ USD.

“Cũng từ tháng 5/2023 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập về bình quân tăng 5 - 10%/tháng. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp gỗ đang tích cực chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo TTXVN, phát biểu tại hội nghị, đại diện HAWA dẫn số liệu từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cũng đang nhập rất nhiều máy móc, thiết bị, với doanh số lên tới khoảng 240 triệu USD, chủ yếu đến từ Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cụ thể, trong bối cảnh sức ép đơn hàng lớn nhưng lượng công nhân có xu hướng giảm dần, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã ưu tiên đầu tư máy móc tương đối nhiều vào những năm gần đây. Tuy nhiên, với tiềm năng của ngành cũng như so với các quốc gia xuất khẩu gỗ khác, việc đầu tư máy móc thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Do đó, việc tìm kiếm thông tin về thiết bị máy móc tiến tiến trong ngành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đang được nhiều doanh nghiệp gỗ lưu ý.

Trước xu hướng này, Triển lãm Quốc tế máy móc và thiết bị ngành công nghiệp chế biến gỗ (VietnamWood 2023) và Triển lãm quốc tế về thiết bị nội thất, phần cứng và công nghệ ngành chế biến gỗ (Furnitec 2023) sẽ được tổ chức đồng thời tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 20 - 23/9/2023 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ, thiết bị máy móc mới trong ngành. Sự kiện do Công ty cổ phần Quảng cáo và Triển lãm thương mại Vinexad (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers và HAWA tổ chức.

Nhằm phát triển ngành gỗ trong thời gian tới, bên cạnh hoạt động trưng bày, Ban Tổ chức còn tổ chức livestream giới thiệu các công nghệ mới và chuỗi hội thảo công nghệ gỗ liên quan đến ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện nay như sản xuất chủ động - vận hành giản đơn; nhà máy xanh hướng tới trung hòa carbon; Sức khỏe thiết bị - bảo trì thông minh…

Ảnh minh họa.

Ngành gỗ vượt thử thách

Báo Chính Phủ dẫn nguồn thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, năm 2022 được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ. Tốc độ tăng trưởng ngành gỗ đạt 7,1%, chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản… còn lại các thị trường như Bắc Mỹ và EU hầu như "đứng im" do suy thoái.

Năm 2023, ngành gỗ dự báo vẫn sẽ còn nhiều khó khăn. Nhằm vượt qua thử thách, Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức phát triển ngành lâm nghiệp cân đối; phát triển trồng rừng đi đôi với chế biến. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Bởi lẽ, chỉ có nắm được thị trường mới chủ động được sản xuất và thực hiện tốt việc giải quyết tranh chấp thương mại.

Để trợ lực cho doanh nghiệp ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - đề nghị, các Bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế.

Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong việc mở công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng. Đây là nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường.

“Đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ trong việc tìm hiểu thông tin thị trường về sản phẩm, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và các cơ chế, chính sách của chính phủ về chất lượng, mẫu mã, tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ nhập khẩu”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ với báo Công Thương.

Thời gian qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm sâu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, ngành gỗ hiện đang ở trạng thái "bùn ở dưới chân và nắng ở trên đầu". Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tổng hợp chi tiết các vấn đề và đề xuất để Bộ NN&PTNT cùng phối hợp để có cuộc làm việc với Thủ tướng trong năm mới để tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo sản xuất và phát triển thị trường gỗ, lâm sản tới đây.

Việt Nam dù nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ USD/năm. Thêm vào đó, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... còn các thị trường tiềm năng khác vẫn đang bỏ ngỏ, theo Vietnam+.

Trúc Chi (t/h)