Thế giới

Xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại

Các đợt bùng phát Covid-19 và lệnh phong tỏa tại Trung Quốc không chỉ gây sức ép cho nền kinh tế trong nước mà còn đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã đối mặt với nhiều khó khăn vào tháng 4, trong bối cảnh các đợt bùng phát dịch Covid-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng dẫn tới nhu cầu yếu, sản xuất suy giảm và hậu cần gián đoạn.

Dữ liệu hải quan cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đã chậm lại xuống còn 3,9% so với một năm trước đó (số liệu tính theo đồng USD), thấp hơn so với mức tăng 14,7% của tháng 3. Con số trong tháng 4 đánh dấu tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 6/2020, tuy nhiên vẫn vượt quá ước tính trung bình ở mức tăng 2,7% theo một cuộc khảo sát được hãng tin Bloomberg thực hiện trên các nhà kinh tế. 

Nhập khẩu tháng 4 của Trung Quốc không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện nhẹ từ mức giảm 0,1% trong tháng 3. Trung Quốc công bố thặng dư thương mại tháng 4 đạt 51,12 tỷ USD, cao hơn thặng dư trong tháng 3 ở mức 47,38 tỷ USD.

Các đợt bùng phát Covid-19 phức tạp ở Trung Quốc và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của chính phủ nhằm kiểm soát bệnh dịch không chỉ đã gây sức ép đối với nền kinh tế nước này mà còn đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu. Bất kỳ sự biến động nào trong lĩnh vực thương mại đều là mối quan ngại, bởi xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng mạnh nhất.

Hình ảnh từ trên cao của cảng Dương Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 10/7/2021. Ảnh: Getty Images.

Dữ liệu của tháng 4 đã ghi nhận tác động của các biện pháp hạn chế của Covid-19 đối với trung tâm thương mại và sản xuất Thượng Hải - nơi có cảng lớn nhất thế giới. Hầu hết dân số Thượng Hải đã bị phong tỏa dưới một số hình thức trong hơn năm tuần. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực nối lại sản xuất đúng tiến độ, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho biết họ vẫn không thể tiếp tục hoạt động và việc đóng cửa thắt chặt có thể sẽ tái diễn. Hiện chưa rõ bao nhiêu phần trăm thành phố Thượng Hải thực sự hoạt động trở lại.

Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đã cam kết sẽ ban hành nhiều biện pháp kích thích hơn nữa nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm nay, đồng thời cho biết sẽ kiên quyết gắn bó với chiến lược Zero Covid nghiêm ngặt.

Các dữ liệu khác từ tháng 4 đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của những gián đoạn liên quan đến Covid-19 đối với nền kinh tế. Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc vào tháng 4 đã giảm xuống 47,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 và thấp hơn mốc 50 điểm - phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Nhu cầu trên thế giới dường như vẫn phục hồi vào tháng 4. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tháng 4/2022 đạt 57,69 tỷ USD, tăng 12,6% so với một năm trước đó. Nguyên nhân do nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này như chất bán dẫn. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc vào tháng 4 đã giảm 3,4% so với một năm trước, thấp hơn mức tăng 16,6% trong tháng 3. Điều đó cho thấy sự chậm lại từ phía Trung Quốc.

Phạm Hà Thanh (Bloomberg, CNBC, Asia Pacific)