Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh 5 tháng đầu năm

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 889 nghìn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, tháng 5/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 150 nghìn tấn, trị giá 343 triệu USD, giảm 4,7% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với tháng 4/2022, so với tháng 5/2021 tăng 15,2% về lượng và tăng 40,7% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 889 nghìn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.248 USD/tấn, giảm 0,8% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 22,1% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.251 USD/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022, giá cà phê thế giới có xu hướng tăng trở lại. Theo báo Công thương, nguyên nhân do thị trường xuất hiện một số thông tin tích cực như: Thượng Hải, cảng biển giao thương hàng hóa sầm uất nhất thế giới, được dỡ bỏ lệnh phong tỏa, giúp thị trường hàng hóa toàn cầu được lưu thông thuận tiện hơn; đồng Real tăng lên mức cao 5 tuần so với đồng USD đã hạn chế người trồng cà phê Brazil bán hàng vụ mới. Số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, Brazil xuất khẩu 14,1 triệu bao cà phê loại 60 kg, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2021; các quỹ hàng hóa tăng mua góp phần đẩy giá cà phê giao kỳ hạn tăng lên mức cao nhất 6 tuần.

Xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2022 tăng 24,2% về lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tại thị trường trong nước, tháng 5/2022, giá cà phê Robsuta có xu hướng phục hồi theo giá thế giới. Ngày 28/5/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 600 đồng/kg so với ngày 29/4/2022, lên mức 42.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; 41.400 đồng/kg tỉnh Lâm Đồng; 41.900 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.

Nguồn cung cấp cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao cho sàn New York chủ yếu từ khối sản xuất Mexico– khu vực Trung Mỹ dường như đã cạn kiệt do việc đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn giá cao từ đầu năm, cũng như việc vận chuyển và giao hàng thuận lợi hơn từ các nguồn gốc xuất xứ khác. Ước tính khối sản xuất này cung cấp cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao cho thị trường tiêu thụ toàn cầu xấp xỉ 18 triệu bao mỗi năm.

Theo báo cáo từ Cecafé của Brazil cho biết, vụ thu hoạch cà phê Robusta bị chững lại do yếu tố thời tiết không thuận lợi, trong khi đó, nhu cầu cà phê nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan và rang xay cũng tăng cao, có khả năng lên tới 22,5 triệu bao trong năm nay.

Theo chuyên gia phân tích thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình phân tích, có hai “biến số” quan trọng có thể làm thay đổi giá cà phê phái sinh từ nay đến cuối năm như sau, đó là tỷ lệ tăng lãi suất điều hành đồng USD Mỹ và yếu tố thời tiết tại Brazil. Hai tác động này tỏ ra không tương thích mà còn triệt tiêu lẫn nhau. Vả lại, thời tiết tại các vùng cà phê Brazil nếu như có chuyện gì đó xảy ra, dù có thể mới là tin đồn, cũng sẽ kích giá hai sàn cà phê tăng mạnh. Nhưng tùy theo độ chính xác của tin thời tiết mà biến động giá có bền hay không. Kinh nghiệm hàng chục năm nay cho thấy giá dựa trên yếu tố thời tiết thường bấp bênh.

Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm tăng lãi suất điều hành đồng đô la Mỹ càng lúc càng rõ. Từ nay đến cuối năm, giới kinh doanh tài chính tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ còn tăng khoản 1,5% là ít nhất mới đủ sức khống chế lạm phát. Tăng lãi suất nhiều bao nhiêu, chi phí tài chính cho hoạt động kinh doanh càng lớn bấy nhiêu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thường dè dặt mỗi khi quyết định mua hàng, giảm trữ lâu mà chỉ mua đủ để giải quyết những hợp đồng tồn đọng.

Hương Anh (tổng hợp)