Thế giới

Xuất hiện mối đe dọa lạm phát mới đối với kinh tế thế giới

Việc giá thực phẩm tăng trở lại trong những tháng gần đây có thể làm chậm lại quá trình kéo lạm phát đi xuống của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Một năm sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, lạm phát đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trên toàn cầu, hiện diện trên từng bữa ăn của các hộ gia đình và vẫn là vấn đề kinh tế dai dẳng mà các chính phủ và các ngân hàng trung ương nỗ lực đối phó, kiểm soát.

Tin tốt ở đây là giá dầu hiện nay đang giảm nhiều so với một năm trước đó, giúp giảm phần nào áp lực lạm phát.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế mới đây, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) dự báo lạm phát toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm, mặc dù chậm hơn so với dự đoán trước đó, từ 8,7% vào năm ngoái xuống còn 7% vào năm nay trước khi giảm sâu về mức 4,9% vào năm 2024.

Tuy nhiên, một vấn đề kinh tế khác phát sinh đối với các hộ gia đình trên toàn thế giới và đang không ngừng gia tăng là giá thực phẩm. 

Giá thực phẩm tăng trở lại có thể gây áp lực lên cuộc chiến lạm phát toàn cầu. (Ảnh: Reuters).

Giá thực phẩm cao tác động tới cuộc chiến giảm lạm phát

Xung đột Nga-Ukraine đã gây ra sự tăng vọt về giá của các mặt hàng thực phẩm trên toàn cầu. Cả hai quốc gia đều đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của thế giới khi đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc và nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất phân bón.

Vào tháng 3/2022, chỉ số giá thực phẩm do Liên Hợp Quốc tổng hợp bao gồm ngũ cốc, dầu thực vật, đường, thịt và các sản phẩm từ sữa đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng nửa 50 năm qua và duy trì ở ngưỡng cao này cho đến tháng 6, sau đó giảm mạnh vào tháng 7 và đã giảm kể từ đó.

Đến tháng 2/2023, giá thực phẩm đã giảm 18,7% so với mức đỉnh. Song, giá các hộ gia đình phải trả cho thực phẩm ở Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục tăng.

Sau hơn một năm xung đột Ukraine-Nga và tính đến tháng 3/2023, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tăng 15,4%, trong khi giá năng lượng giảm 0,9%.

Tại Mỹ, giá thực phẩm tăng 10,2%, vượt xa giá năng lượng ở mức 5,2%. Đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay đều gặp phải hiện tượng chung là thực phẩm chiếm phần lớn chi tiêu trong các hộ gia đình.

Giờ đây, chính phủ các nước châu Âu trở nên lo lắng. Không phải vì cuộc khủng hoảng năng lượng mà là vì giá hàng hóa leo thang. Ban đầu, giá thực phẩm thu hút ít sự quan tâm hơn, một phần vì giá thực phẩm tăng ít hơn so với năng lượng. Thế nhưng, điều này đã thay đổi trong những tháng gần đây.

Thông thường biến động giá mà nông dân bán ra thị trường và giá mà các hộ gia đình phải trả có độ trễ nhất định. (Ảnh: Reuters).

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán giá thực phẩm sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới, song vẫn chưa giải thích được hiện tượng tăng giá thực phẩm diễn ra hiện nay. Ở những thị trường hàng hóa thế giới, nơi đặt ra mức giá mà người nông dân nhận được, giá thực phẩm đã giảm từ tháng 4/2022. 

Thông thường có độ trễ giữa các biến động về giá mà nông dân bán ra thị trường và giá mà các hộ gia đình phải trả. Chi phí hàng hóa thô chỉ là một phần của giá hàng hoá cuối cùng, có nghĩa người tiêu dùng phải chi cho quá trình chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối. 

Giá lương thực cao cũng là một vấn đề đối với các ngân hàng trung ương. Đa phần các ngân hàng đều dựa vào lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và giá năng lượng) để đánh giá xu hướng lạm phát trong tương lai. Nhưng, họ cũng nhận ra rằng lạm phát toàn phần (kể cả giá thực phẩm và giá năng lượng) có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của công chúng.

Các hộ gia đình tiêu nhiều nhất vào việc mua thực phẩm, do đó khi giá thực phẩm tăng thì có thể khiến người lao động thương lượng mức lương cao hơn, kéo theo giá cả cũng sẽ tăng lên.

Vòng xoáy giá-lợi nhuận

Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters).

Qua quan sát độ trễ hiện tại và khoảng cách từ trang trại đến bàn ăn của các hộ gia đình, các nhà kinh tế học đã phát hiện một nhân tố thúc đẩy giá hàng hóa tăng cao: Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm có thể đã tăng giá nhiều hơn mức cần thiết để trang trải chi phí cao hơn.

Chuyên gia Claus Vistesen thuộc quỹ Pantheon Macroeconomics cho biết: “Cách duy nhất để lý giải cho sự liên hệ giữa các chỉ số giá tiêu dùng đối với giá hàng hoá là lợi nhuận của bên trung gian đang gia tăng”.

Một số quan chức phụ trách về vấn đề lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét khả năng lạm phát tăng trở lại từ việc tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm không ngừng gia tăng. Trong đó, ông Fabio Panetta, một thành viên của ban điều hành ECB, đã cảnh báo về "vòng xoáy giữa giá và lợi nhuận".

“Hành vi cơ hội của các doanh nghiệp cũng có thể làm chậm quá trình giảm lạm phát lõi”, ông Panetta cho hay.

Nhiều bằng chứng cho thấy, tỷ suất lợi nhuận tại các nhà cung cấp thực phẩm đã tăng lên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Theo các nhà kinh tế tại Ngân hàng ING, tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp của Đức (không bao gồm các nhà sản xuất thực phẩm đóng gói và nhà bán lẻ) đã tăng 63% từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2022.

Vĩnh Khang (WSJ, AP)