Đa chiều

Xuân Kỷ Hợi 2019, bàn về chữ nghĩa (phần 2)

Hiện nay, việc dùng từ Hán – Việt đang trở thành một “bệnh” nói chữ, có lúc, như một kiểu làm sang. Việc dùng bừa bãi tiếng nước ngoài thay cho tiếng Việt đã có sẵn là không thể chấp nhận được.

 

Trước trao lưu hội nhập quốc tế, tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh được dùng rất phổ biến. Việc học cho giỏi tiếng nước ngoài để dùng là rất cần thiết. Nhưng dùng bừa bãi tiếng nước ngoài thay cho tiếng Việt đã có sẵn là không thể chấp nhận được. Ở hầu hầu khắp cả nước, các cửa hàng cửa hiệu của người Việt ở trong một con phố nhỏ cũng đặt tên bằng tiếng nước ngoài cho “oai”! Thậm chí, những tên riêng của một nước vốn dùng từ tiếng Pháp như Ma-rốc cũng biến thành Morocco…

Hiện nay, việc dùng từ Hán – Việt đang trở thành một “bệnh” nói chữ, có lúc, như một kiểu làm sang, chỉ gây thêm khó hiểu như biết ơn là tri ân, sức mua là mãi lực, trồng lại là tái canh, sinh đôi là song sinh, cá kình là  kình ngư,... Lại nữa, do không hiểu tường tận nghĩa chữ Hán – Việt nên dùng chữ sai rất phổ biến ngay cả trên báo chí, phát thanh, truyền hình như bao biện được dùng như ngụy biện, cứu cánh được dùng như cứu vớt...

Trước trào lưu hội nhập ào ạt về kinh tế, có tình hình tiếng Anh xâm nhập làm pha tạp ngôn ngữ của nhiều nước cho nên nhà nước phải ra sức quản lý ngôn ngữ, chữ viết, không thể buông lỏng. Nước Pháp ở gần nước Anh, đã ban hành nhiều sắc lệnh, đạo luật về việc dùng tiếng Pháp để chống lại sự xâm nhập của tiếng Anh.

Báo Người Đưa Tin đã nêu chủ đề về chuyện nói và viết sính chữ, sai chữ trong thời kỳ hiện nay với PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, và ông Tạ Quang Đông – người từng phiên dịch cho nhiều lãnh đạo nhà nước, phiên dịch cabin cho nhiều hội nghị quan trọng.

Cuộc trao đổi và trò chuyện của hai ông đã đóng góp phần nào cho việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.”

Nguyễn Quốc