Dân sinh

Xuất khẩu lao động: Mong manh “miền đất hứa” nơi xứ người

Câu chuyện 39 người tử vong vì nhập cảnh trái phép ở Anh vẫn đang gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua. Xuất khẩu lao động mang theo giấc mơ đổi đời cũng là câu chuyện chung của không ít quốc gia, và ở Việt Nam cũng không thiếu những câu chuyện tương tự...

Kỳ vọng “miền đất hứa” nơi xứ người

Theo luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc công ty Luật Inteco, xuất khẩu lao động hiện đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn như một “cứu cánh” mưu sinh nơi đất khách xứ người.

Luật sư Hà Huy Phong cho biết: “Ở Việt Nam, tôi đã từng đi qua những làng xuất khẩu lao động, nghĩa là lớp trẻ hầu hết đều tìm cách ra nước ngoài làm việc kiếm sống. Có người trở về và có người tìm cách ở lại dài hạn. Trẻ em lớn lên không màng chuyện học hành mà chỉ chờ đến tuổi để theo đàn chị, đàn anh ra nước ngoài làm việc.

Họ đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thức không được thì đi theo con đường du học rồi bỏ trốn hoặc du lịch và bỏ trốn ở lại để đi làm. Có vô vàn cách để những người lao động tìm đường ra nước ngoài kiếm sống.

Hầu hết những người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đều chỉ lựa chọn được những công việc chân tay. Tỷ lệ lao động làm công việc kỹ thuật, trình độ cao rất ít. Thế nên, nói tới xuất khẩu lao động là nói tới những công việc chân tay, trình độ thấp.

Lao động chân tay vốn dĩ không phải là công việc nhàn hạ, nên lao động ở nước ngoài, với sự khác biệt về văn hóa, môi trường làm việc và quản lý, mà mức độ nặng nhọc và sự lam lũ càng trở nên nặng nề hơn trên vai những người con xa xứ”.

Chia sẻ quan điểm trước vấn đề này, chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu Bùi Ngọc Phúc cho rằng: “Trước hết phải nhìn nhận, hầu hết các gia đình gửi con em ra nước ngoài làm việc đều biết sẽ sang làm lao động bất hợp pháp ở nước sở tại. Vậy tại sao họ đã lường trước các hiểm nguy mà vẫn dấn thân?

Bởi vì mọi người vừa muốn có tiền gửi về cho gia đình, lại vừa muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn nơi xứ người. Những đồng hương đi trước đã khiến họ quyết tâm. Số tiền gần 1 tỷ đồng không phải nhà nào cũng có, họ phải cầm cố vay mượn để con em họ ra đi.

Chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu Bùi Ngọc Phúc.

Trong khi, vẫn số tiền đó nếu lập nghiệp tại quê hương chắc chắn cũng tốt. Nhưng tâm lý “bằng chị bằng em” khiến mọi người thích chọn hướng đi xuất ngoại. Bài học về việc hy sinh tính mạng để đánh đổi giấc mơ nơi “miền đất hứa” đã có, nhưng mọi người vẫn không từ bỏ ý định”.

Cái giá cho giấc mộng đổi đời

Luật sư Hà Huy Phong phân tích: “Chưa kể, để ra nước ngoài làm việc, những nam thanh nữ tú phải đầu tư cả tuổi thanh xuân và tương lai của mình vào những tháng ngày lam lũ nơi đất khách quê người. Thời gian mà người lao động Việt Nam ở lại làm việc ở một số nước tiếp nhận như Hàn Quốc, Nhật Bản tối đa chỉ lên tới 5 năm. Tuy đó là thời gian không quá dài nhưng với những người trẻ đi xuất khẩu lao động, việc đánh đổi 5 năm thanh xuân để kiếm tiền nơi xứ người thực sự là phải trả một cái giá quá đắt đỏ.

Biết rằng, đi làm việc ở nước ngoài, có thể kiếm một nguồn thu nhập khá hơn rất nhiều so với làm việc ở quê hương, nhưng quãng thời gian kiếm tiền đó chỉ không quá 5 năm.

Thời gian trở về quê hương, với một chút vốn liếng nhỏ nhỏ đã tích lũy, không đủ để sống cả đời, mà cũng không biết phải làm gì để kiếm tiền.

Quãng thời gian sống trong những ký túc xá, làm việc quần quật trong nhà máy, công trường, bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, kiến thức sách vở rơi rụng hết vào công việc, nên khi trở về, không còn gì ngoài chút vốn liếng bằng tiền mặt.

Trở về sau những năm tháng xuất khẩu lao động, nhiều bạn trẻ không biết đầu tư vào đâu và không thích ứng được với môi trường làm việc ở trong nước ngay nên chật vật sống và tiêu nốt số tiền đã tích lũy.

Trong khi, những bạn trẻ làm việc trong nước, có thể chuyển đổi công việc, có thể bỏ công việc để đi học, có thể tìm cách tự kinh doanh và tìm con đường khác để thay đổi bản thân và cuộc sống gia đình”.

Giám đốc công ty Luật Inteco cho rằng, có lẽ chỉ có rất ít người có thể giàu và phất lên nhờ đi xuất khẩu lao động và giữ được thu nhập tốt sau khi trở về: “Đa phần lại quay lại cảnh làm lũ nơi quê nhà như bao đời vẫn thế.

Cái sự giàu bất thường và nhanh chóng nhờ bán sức lao động ở nước ngoài ấy vốn chẳng phải là cách tồn tại bền vững, và chẳng thể là động lực cho sự phát triển của những làng quê.

Thế nhưng, sự tiếp nối của những lớp người vật lộn ra nước ngoài làm việc, những ngôi nhà đồ sộ mà trống rỗng vẫn mọc lên, những con đường đẹp vẫn được xây dựng ở các làng xuất khẩu lao động, che giấu những đứa trẻ lớn lên thiếu tình thương của bố hoặc của mẹ, cướp mất đi khát vọng và hoài bão của những thế hệ sau”.

Xuất khẩu lao động, nên hay không?

“Không phải bạn trẻ nào học xong phổ thông cũng muốn và cũng có thể học lên cao, vì thế, phải tìm hướng mưu sinh, không lao động trong nước thì cũng phải tìm cách ra nước ngoài.

Câu hỏi đặt ra, cũng là lao động như nhau, thì lao động ở nước ngoài kiếm được nhiều tiền hơn tại sao không nên khuyến khích? Sự khuyến khích hay không, không phải vì ra nước ngoài làm việc là xấu, là không tốt.

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc công ty Luật Inteco.

Điểm khác biệt nằm ở chỗ, chính vì ra nước ngoài làm việc kiếm được nhiều tiền hơn nên tạo thành một phong trào cho cả xã, cả làng và những thanh niên trẻ tuổi tại địa phương đó, mà “triệt tiêu” sự nỗ lực và phấn đấu học hành của những thanh thiếu niên, của những thế hệ mầm non. Nếu có thể đánh giá và định hướng đúng đắn để không tạo ra những biến tướng, tiêu cực thì xuất khẩu lao động hợp pháp vẫn có thể là sự lựa chọn tốt cho nhiều người”, vị luật sư khẳng định.

Theo chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu Bùi Ngọc Phúc, có lẽ đã đến lúc, các cấp chính quyền nên vận động bà con học nghề hoặc có thể đi xuất khẩu lao động theo con đường hợp pháp vì đó là nhu cầu chính đáng, đồng thời điều tra xử thật nặng những kẻ trong đường dây đưa người trái phép qua biên giới.