Hồ sơ điều tra

Xử vụ gian lận thi cử Sơn La: Tiền cảm ơn nhờ xem điểm từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng

Nhiều phụ huynh có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2018 đều khẳng định chỉ nhờ xem điểm. Giá mỗi lần “nhờ xem điểm” từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng.

Cứ nhờ xem điểm là được nâng điểm

Chiều nay (16/10), tại TAND tỉnh Sơn La, lần lượt các nhân chứng trong vụ gian lận điểm thi được yêu cầu bước lên bục dành cho người tham gia tố tụng để trả lời thẩm vấn của HĐXX.

TAND tỉnh Sơn La xét xử vụ gian lận thi cử năm 2018

Đa phần, các nhân chứng đều trả lời là chỉ nhờ các bị cáo ngồi đây xem trước điểm thi chứ không nhờ nâng điểm.

Lý do họ đưa ra là để đỡ sốt ruột và kịp thời điều chỉnh nguyện vọng cho con em mình. Thế nhưng, hầu hết những trường hợp cứ nhờ xem điểm là được nâng điểm.

Một vị phụ huynh khai có mối quan hệ quen biết nên nhờ các bị cáo xem điểm trước thời gian công bố vì nóng ruột. Kết quả là con vị này đỗ Học viện Cảnh sát. Tuy nhiên, sau khi chấm lại mới biết con mình được nâng tới 17 điểm.

Đương nhiên, trường hợp thí sinh này không được tiếp tục theo học. “Sau khi chấm lại không đúng với điểm công bố, cháu về rồi ạ”, phụ huynh có con được nâng điểm trả lời HĐXX.

Được ông trẻ “bảo kê” trong kỳ thi quốc gia, thí sinh vẫn bị trường… trả về

Một nhân chứng là bà Lò Thị Trường (mẹ của thí sinh L.M.H) khai có quan hệ gia đình, gọi bị cáo Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng Khảo thí) bằng chú.

Bà Lò Thị Trường.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bà Trường đến nhà bị cáo Huynh “nhờ ông xem điểm trước cho con sau khi thi và không đặt vấn đề tiền bạc, không trao đổi hứa hẹn gì”.

Kết quả là con bà Trường trúng tuyển vào trường An ninh, bao nhiêu điểm thì bà này không nhớ rõ do thời gian quá lâu. Tuy nhiên, sau khi có kết quả chấm lại, con bà Trường bị… trả về. "Cháu đã bị trường trả về, lý do điểm chấm lại không đạt", bà Trường nói.

Yêu cầu đối chất về nội dung này, ông Huynh xác nhận lời khai của bà Trường là đúng. Tuy nhiên, ông Huynh khai sau kỳ thi bà Trường có đến đưa 300 triệu đồng cảm ơn nhưng ông đã trả lại.

Sau lời khai trên, bà Trường xác nhận có đưa tiền cho ông Huynh tại nhà riêng. "Lúc đấy tôi chỉ nghĩ là sau thi cử cảm ơn nước nôi chứ không nghĩ xảy ra như thế này", bà Trường trình bày.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Tòa hỏi người làm chứng khác, ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP Sơn La, cho biết có mối quan hệ quen biết với bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga nên đã nhờ Nga xem điểm trước giúp 4 thí sinh.

Ông Trần Văn Điện.

Những trường hợp này đều là con của người quen và đồng nghiệp của ông Điện.

Ông Điện khai chỉ đưa thẻ học sinh photo cho Nga, ngoài ra không đưa kèm nội dung gì. Sau đó, ông này không được chị Nga thông báo lại kết quả gì.

Chỉ đến khi công an khởi tố vụ án, ông này mới hay “các cháu nằm trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm”.

Yêu cầu đối chất về nội dung này, bị cáo Nga khẳng định được anh Điện nhờ bị cáo xem điểm và giúp đỡ cho các cháu, tức là giúp đỡ đạt được điểm như mong muốn.

 Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga.

Kết quả là bị cáo đã giúp các thí sinh do ông Điện nhờ đạt kết quả điểm mong muốn.

Chính vì vậy, sau đó, anh Điện đã cám ơn Nga số tiền 1.040.000.000 đồng. Bị cáo đã nộp 1 tỷ đồng cho cơ quan điều tra, 40 triệu cho bị cáo Lò Văn Huynh vay.

Sau khi lắng nghe lời khai của bị cáo Nga, ông Điện cho rằng bị cáo Nga khai như vậy là không đúng. “Gia đình họ chỉ nhờ tôi xem điểm”, ông Điện tái khẳng định.

Do hết thời lượng làm việc buổi chiều, ngày mai (17/10), TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử.