Hồ sơ điều tra

Xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La: “Nhà bao việc” thì bị bắt đi sửa bài cho Sếp

Một số bị cáo biết việc sửa, nâng điểm bài thi là vi phạm, song vì nể nang, khi bị “triệu tập” đi sửa bài cho Sếp, nên đành “nhắm mắt làm liều”.

Phiên xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La đang dần được làm sáng tỏ trong phần thẩm vấn công khai tại TAND tỉnh. Lần lượt 6/8 bị cáo đã trả lời thẩm vấn của HĐXX. Các bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

TAND tỉnh Sơn La đang xét xử vụ gian lận điểm thi

Trước khi bước vào phần này, để đảm bảo vụ án được xét xử một cách công bằng, khách quan, HĐXX đã yêu cầu cách ly những người làm chứng.

Có 3/8 bị cáo là phụ nữ. Theo quan sát của phóng viên, nữ bị cáo đầu tiên bước lên bục khai báo là Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT) trả lời rất lưu loát các câu hỏi của HĐXX.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga

Bị cáo Nga cơ bản đã thừa nhận tội trạng của mình như cáo trạng truy tố và khai rành mạch từng trường hợp nhờ bị can can thiệp, sửa bài thi. Từ đây, nhiều quan chức “lộ sáng” khi sẵn sàng bỏ tiền, thậm chí rất nhiều tiền để mua điểm cho con em mình.

Cùng chung số phận pháp lý, Cầm Thị Bun Sọn, nguyên là Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La tỏ ra ân hận khi phải hầu tòa trong vài trò là một bị cáo.

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Cầm Thị Bun Sọn mặt cúi gằm, tỏ rõ vẻ ân hận.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn

Theo tài liệu truy tố, tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Cầm Thị Bun Sọn được phân công nhiệm vụ là Ủy viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, cắt túi bài thi để Nga, Thủy quét (Scan) bài thi.

Trước khi chấm thi, Cầm Thị Bun Sọn được bà Hoàng Thị Thành – Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, Sơn La đặt vấn đề, đưa thông tin con trai mình nhờ nâng điểm các môn Toán, Văn, Lịch sử để đủ điểm xét tuyển vào trường Công an nhân dân.

Trong hai ngày 29 – 30/6/2018, Sọn cùng Nga, Thủy, Huynh rút các bài thi mang về nhà Thủy sửa, nâng điểm.

Sọn sửa bài thi nâng điểm cho 1 thí sinh do Sọn trực tiếp nhận giúp. Sọn đã nhận 440 triệu đồng.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Sọn cơ bản đồng tình với bản cáo trạng của VKS, sau đó bị cáo Sọn xin bổ sung một số nội dung mà theo bị cáo là chưa đúng với tài liệu truy tố.

Bị cáo Sọn khai báo: Trọng việc các bị cáo thống nhất về nhà bị cáo Thủy sửa bài thi, về mặt thời gian và địa điểm sửa bài thi thì bị cáo Sọn hoàn toàn bị động. Khi mọi người nói là đi sửa bài cho Sếp (theo bị cáo hiểu là Trần Xuân Yến), vì nể nang mà tôi đã đánh mất mình, làm việc không đúng trách nhiệm.

Nói về việc bị động của mình trong chuyện này, bị cáo Sọn phân trần: “Có hôm tôi đang làm việc thì Nga nhắn tin nói là “đi sửa bài cho Sếp”. Khi Nga nói, đi sửa bài cho Sếp, tôi nghĩ là nhiệm vụ, mọi người làm, tôi không thể không làm”.

Bị cáo Đặng Hữu Thủy

Tiếp đến, bị cáo Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu) cũng không tranh cãi gì nhiều về nội dung bản cáo trạng truy tố hành vi của bị cáo.

Bị cáo Thủy khai đã nhận thông tin của 4 thí sinh nhờ nâng điểm. Trong đó, Thủy trực tiếp sửa bài thi, nâng điểm cho 3 thí sinh do mình trực tiếp nhận giúp, ngoài ra còn cùng Nga, Sọn, Huynh sửa bài cho 40 thí sinh khác.

Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng Khảo thí) cũng tỏ ra day dứt trong phần trả lời thẩm vấn của mình. “Biết việc làm của mình là vi phạm nên bị cáo cứ chần chừ, nhưng vì nể nang, bị cáo đã đánh mất mình”. Bị cáo Nhàn khai.

Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn

Tương tự, bị cáo Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Đỗ Khắc Hưng (cán bộ công an tỉnh) cơ bản đồng ý với bản cáo trạng. Các bị cáo tỏ ra hối hận về việc làm của mình.

Do hết giờ làm việc buổi chiều, 7h30 ngày mai, HĐXX sẽ tiếp tục làm việc.