Hồ sơ điều tra

Xử phúc thẩm vụ Vinasun kiện Grab

Phiên tòa xét xử vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab dự kiến sẽ diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ hôm nay (10/3).

Ngày 10/3, TAND Cấp cao Tại TP.HCM đưa vụ kiện Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab) ra xét xử phúc thẩm.

Đại diện Vinasun tại tòa.

Trước đó, sáng 28/12/2018, Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Vinasun, buộc Grab phải bồi thường số tiền 4,8 tỷ đồng.

Riêng số tiền 36,3 tỷ đồng Vinasun yêu cầu bồi thường về phần giảm giá trị vốn hóa không được HĐXX chấp nhận.

Sau bản án, cả Vinasun và Grab đều kháng cáo. Phía Vinasun kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Grab phải bồi thường 36,3 tỷ đồng còn lại cho Vinasun.

Trong khi đó, phía Grab kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Phía Grab cũng “thòng” thêm trường hợp nếu tòa phúc thẩm không đình chỉ giải quyết vụ án thì Grab yêu cầu sửa án sơ thẩm, xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm Đề án 24, Nghị định 86 và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Ngoài kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, VKSND TP.HCM và VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng có kháng nghị theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 13/3 tới.

Đây là vụ kiện kéo dài, thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong khi phía Vinasun tố Grab đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm hàng loạt quy định pháp luật, không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vi phạm đề án thí điểm của bộ GTVT, khuyến mại tràn lan, phá giá... và là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm. Từ đó, Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên 41 tỷ đồng.

Để chứng minh cho việc lợi nhuận sụt giảm, phía Vinasun dẫn chứng, năm 2015 lợi nhuận sau thuế là gần 320 tỷ đồng, đến năm 2016 còn hơn 295 tỷ. Kết quả kinh doanh quý I, quý II năm 2017 chỉ còn 53 tỷ. Đến hết quý II/2017, hơn 8.000 nhân viên của Vinasun nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi.

Theo người đại diện Vinasun, GrabTaxi khi thực hiện “Đề án 24” của bộ GTVT đã có tình đánh tráo khái niệm, ngụy biện mô hình kinh doanh. GrabTaxi chỉ có chức năng cung cấp phần mềm kết nối, nhưng trên thực tế là kinh doanh vận tải taxi. GrabTaxi đã trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng các loại hình của GrabTaxi như GrabCar, GrabTaxi, Grab Share; Thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe; Xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm Quy chế do GrabTaxi đặt ra...

Việc Công ty TNHH GrabTaxi, đơn vị không có chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải, nhưng lại tự ý đưa ra và thực hiện các mức chiết khấu trên kết quả hoạt động của các lái xe, triển khai dịch vụ ngoài các địa phương cho phép thí điểm… là hành vi vi phạm đề án thí điểm tại “Đề án 24”. Từ những nhận định trên, luật sư của Vinasun nói rằng GrabTaxi đã đánh tráo khái niệm để né tránh các điều kiện kinh doanh taxi theo luật định, lách luật, trốn thuế.

Trong khi đó, phía Grab lại cho rằng, cáo buộc của phía Vinasun là không có căn cứ. Việc kinh doanh của GrabTaxi không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm. Người đại diện của GrabTaxi cũng khẳng định họ kinh doanh đúng pháp luật Việt Nam, đúng các quy định về kinh doanh vận tải và nộp thuế đầy đủ chứ không hề trốn thuế như Vinasun trình bày...

GrabTaxi thực hiện theo đúng đề án thí điểm, việc xem xét liệu hoạt động của GrabTaxi có tuân thủ đúng đề án thí điểm hay không là thuộc thẩm quyền của bộ GTVT. Không có bằng chứng nào chứng minh việc GrabTaxi vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi (nếu có) là nguyên nhân dẫn đến việc Vinasun bị giảm thiểu khách hàng.

Các vi phạm của Grab (nếu có), không phải là nguyên nhân duy nhất và trực tiếp dẫn đến các thiệt hại mà Vinasun nêu ra, việc tính toán thiệt hại của Vinasun là không có có cơ sở.

Phía GrabTaxi đề nghị HĐXX không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Vinasun, đình chỉ vụ án.