Bất động sản

Xử lý vụ “xẻ thịt” rừng phòng hộ Sóc Sơn: Dân không hợp tác vì “dân có trước, rừng có sau”

Vụ cưỡng chế công trình vi phạm tại Sóc Sơn (Hà Nội) đang gặp khó khăn do nhiều hộ dân không hợp tác với lý do "dân có trước, rừng có sau".

Liên quan đến vụ "xẻ thịt" rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội), báo Tiền Phong đưa tin, cơ quan chức năng đang tiến hành cưỡng chế 20 công trình tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú.

Đại diện UBND xã Minh Phú cho biết, từ ngày 23/4, chính quyền xã đã huy động máy xúc và nhân lực để phá dỡ một số công trình vi phạm. Người dân được yêu cầu vận chuyển đồ đạc ra bên ngoài, hiện trường khu vực cưỡng chế cũng được phong toả…

Được biết, trong hai ngày 23-24/4, có 3 công trình vi phạm bị phá dỡ với tổng diện tích hơn 100m2.

Hiện trạng "xẻ thịt" rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây nhà ở, biệt phủ, khu du lịch...

Theo kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn, trong số 20 công trình sẽ bị cưỡng chế phá dỡ tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, 7 công trình sẽ bị cưỡng chế xong từ nay đến ngày 30/4, 13 công trình còn lại sẽ cưỡng chế trong tháng 5/2019, dự kiến hoàn thành trước ngày 13/5.

Cùng với việc triển khai cưỡng chế các công trình vi phạm được xây dựng trong giai đoạn 2016-2018, UBND Sóc Sơn cũng tiến hành rà soát các công trình vi phạm đất rừng trong giai đoạn 2006-2016 để lập hồ sơ, có giải pháp xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, tại xã Minh Trí (nơi có tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden hơn 3.000m2) thì vẫn “án binh bất động”. Tuần trước, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức buổi đối thoại với nhân dân nhưng nhân dân vẫn không đồng thuận với kết luận thanh tra và giữ quan điểm “dân có trước rừng có sau”.

Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, thời gian qua tại 2 xã Minh Phú và Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra tình trạng chiếm dụng, “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ để xây nhà kiên cố, "biệt phủ", khu du lịch... Trong khi đó, lãnh đạo địa phương không thừa nhận thực trạng mà cho rằng những công trình đó chỉ là "nhà tạm".

Ngày 21/3, Thanh tra thành phố Hà Nội công bố kết luận, tại 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng Sóc Sơn có gần 800 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp.

Theo kết luận Thanh tra, UBND huyện Sóc Sơn không thực hiện rà soát xử lý với 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng. Hầu hết các trường hợp khi mua bán không có giấy tờ về quyền sử dựng đất nhưng vẫn được UBND xã phê duyệt.

Trong khi đó, UBND huyện không tổ chức xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo chỉ đạo của UBND TP. Không những vậy, do buông lỏng quản lý nên các công trình vi phạm xây dựng mới trên đất rừng tiếp tục tăng, đến nay có tới 485/555 công trình chưa xử lý.

Điều đáng nói, số lượng công trình vi phạm thực tế còn lớn hơn, riêng 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven 7 hồ lớn đã có tới gần 800 công trình vi phạm.

Qua đó, Thanh tra TP.Hà Nội đề nghị giao UBND huyện Sóc Sơn làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm; Tổ chức cưỡng chế đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Báo Pháp luật TP.HCM thông tin thêm, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao các cơ quan như: Công an TP, Thanh tra TP Hà Nội, Sở NNPTNT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở QHKT, Sở Nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn, Công ty TNHH đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội tiến hành kỷ luật, làm rõ trách nhiệm các cán bộ có liên quan đến sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn trong hơn 10 năm qua. Kết quả xử lý vi phạm phải được tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 15/5/2019.

H.Y (tổng hợp)