Góc nhìn luật gia

Xử lý ra sao nhóm cán bộ đoàn thanh tra bộ Xây dựng vòi tiền ở Vĩnh Phúc?

Lợi dụng chức vụ vòi tiền doanh nghiệp để ỉm đi sai phạm, cán bộ đoàn Thanh tra bộ Xây dựng có thể phải đối mặt với án tù nhiều năm.

Cần xử lý nghiêm nhóm cán bộ đoàn Thanh tra trục lợi trên sai phạm

Theo thông tin đăng tải, mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo ban đầu về vụ đoàn thanh tra bộ Xây dựng có dấu hiệu hành vi nhận hối lộ.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng - Trưởng đoàn thanh tra bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc.

Đoàn thanh tra gồm có 05 người thuộc các đơn vị của Thanh tra bộ Xây dựng: Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1975, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng) làm Trưởng đoàn; Lưu Vân Oanh (sinh năm 1976, Phó trưởng phòng giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra) làm Phó Trưởng đoàn và các thành viên: Đặng Hải Anh (sinh năm 1981, Chuyên viên phòng thanh tra xây dựng); Nguyễn Thị Kim Liên (sinh năm 1977, cán bộ phòng Thanh tra xây dựng); Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1994, cán bộ Phòng giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra).

Theo đó từ đầu tháng 6/2019, trong thời gian Đoàn thanh tra làm việc tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận được nhiều đơn tố cáo của một số doanh nghiệp, UBND xã, cá nhân đối với Đoàn thanh tra của bộ Xây dựng vì có hành vi lợi dụng nhiệm vụ thanh tra, ép các doanh nghiệp, UBND các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc phải đưa tiền để được xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ trong quá trình thanh tra.

Vụ việc một nhóm cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hoá bị khởi tố về tội Nhận hối lộ còn chưa kịp lắng xuống thì tiếp tục lại đế sự việc này khiến nhiều người không khỏi thất vọng và bức xúc.

Là luật sư giàu kinh nghiệm, chuyên gia pháp lý Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm:

Lực lượng thanh tra được xem như mang trong tay “thượng phương bảo   kiếm”, để bắt tận tay các sai phạm làm căn cử xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vậy mà lực lượng này lại đi “vòi tiền” của doanh nghiệp để ỉm đi các sai phạm, tiếp tay cho sai phạm. Điều này đã làm mất đi niềm tin của nhân dân và chính quyền.

“Họ là những cán bộ công chức đánh mất sự liêm chính và lợi dụng quyền hạn để kiếm lợi trên sai phạm. Chính những con người này đã làm đảo lộn trật tự kỷ cương xã hội, chính vì họ mà những kẻ sai phạm cười nhạo trên các quy định của luật pháp khi cho rằng có thể một tay che cả bầu trời, bởi những gì không mua được bằng tiền, sẽ mua bằng nhiều tiền”, luật sư Bình bức xúc nói.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Bình cho rằng, có hay không việc đòi tiền của Đoàn thanh tra bộ Xây dựng và đã nhận bao nhiêu tiền thì chúng ta phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nếu thật sự đúng vậy phải xử lý đến nơi, đến chốn, xử lý thật nghiêm minh.

Người phạm tội nhận hối lộ thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là, “họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Theo thông tin đăng tải, cùng ngày 12/6, tại Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, Tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh phúc bắt quả tang Đặng Hải Anh nhận 90 triệu đồng của anh Đỗ Ngọc Yên (sinh năm 1984) - Phó Giám đốc công ty Đức Trung. Bắt quả tang Nguyễn Thị Kim Anh nhận 68 triệu đồng của ông Trần Hanh (sinh năm 1971, là kế toán UBND xã Tân Tiễn, huyện Vĩnh Tường) và nhận 91,5 triệu đồng của ông Đỗ Mạnh Cường (sinh năm 1979, công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường).

Thu giữ được làm việc của Đoàn thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường nhiều hồ sơ của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, 335 triệu đồng trong tủ do Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.

Như vậy, tổng số tiền lực lượng chức năng thu giữ được là gần 600 triệu đồng.

Theo quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;

Trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Còn trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

Người đưa hối lộ bị xử lý khi nào?

Cũng theo luật sư Bình, bên cạnh việc xử lý người nhận hối lộ cũng cần xử lý những người đã đưa hối lộ.

Nếu nhìn từ khía cạnh khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng thì việc xử lý hình sự người đưa hối lộ là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu xét từ khía cạnh quản lý nhà nước, duy trì trật tự, an toàn xã hội thì hành vi đưa hối lộ cũng là loại hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn rất cần thiết phải xử lý hình sự. Có thể nói "đưa" và "nhận" hối lộ bản chất như “anh em sinh đôi”.

Đưa hối lộ cũng được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đưa hối lộ cũng là tội phạm và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp người đưa hối lộ đi tố cáo người nhận hối lộ. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Do đó, luật sư Bình cho rằng cần điều tra các khoản tiền này do ai đưa, có khai báo với Cơ quan Công an trước hay không để có hướng xử lý theo Điều 364 Tội đưa hối lộ.