Góc nhìn luật gia

Xử lý nghiêm người trốn cách ly để thắng "giặc" Covid

Trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cần phải xử lý thật nghiêm những trường hợp trốn cách ly.

Vụ việc lực lượng chức năng ở Bắc Giang phải dùng xe thang đưa người lên tầng 3 để cưỡng chế 1 phụ nữ đi cách ly đã khiến dư luận rất quan tâm. Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc trước hành động ngoan cố, thiếu ý thức phòng, chống dịch của người phụ nữ nói trên.

Theo ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của phường Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang thì người phụ nữ trên thuộc diện F1, đã chống đối lực lượng chức năng khi được yêu cầu đi cách ly tập trung.

Danh tính của chị này là P.T.Q. (SN 1977), trú tại tổ 6, phường Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang. Qua điều tra, truy vết, xác định P.T.Q. có tiếp xúc với 1 ca dương tính SARS-CoV-2.

Được biết, lý do mà chị Q. khóa cửa nhà, “cố thủ” trên tầng 3 và chống đối lực lượng chức năng, không chịu đi cách ly là vì muốn “ở nhà để cầu nguyện”.

Sau khi clip được chia sẻ trên mạng xã hội, dư luận vô cùng phẫn nộ trước hành động ngoan cố của người phụ nữ trên.

Tiếp đó, ngày 28/5, dư luận lại bất bình trước thông tin 1 cặp vợ chồng (trú tại thôn Bái Hạ, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) thuộc diện F2, phải cách ly tại nhà nhưng cứ 2h sáng hàng ngày trốn đến lò mổ lấy thịt lợn đi bán, 5h sáng lại về. Theo chính quyền địa phương, vì 2 vợ chồng này trốn khỏi nhà và trở về trong đêm nên gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác phát hiện, quản lý.

Lực lượng chức năng ở Bắc Giang phải dùng xe thang đưa người lên tầng 3 để cưỡng chế chị Q. đi cách ly (ảnh cắt từ clip).

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về các trường hợp trốn cách ly, chuyên gia Nguyễn Xuân Hùng (nguyên điều tra viên cao cấp trong lực lượng Công an nhân dân) phân tích: “Như chúng ta đã biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt như Bắc Giang được coi là “điểm nóng” về tình hình dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị và nhân dân đang hết sức nỗ lực để đẩy lùi dịch Covid-19. Trong khi hầu hết người dân có ý thức phòng, chống dịch, chấp hành các quy định của pháp luật rất tốt, thì bên cạnh đó, vẫn còn 1 số cá nhân thiếu ý thức phòng, chống dịch, vi phạm pháp luật.

Những trường hợp vi phạm như vậy phải xử lý thật nghiêm để răn đe, làm bài học kinh nghiệm cho các trường hợp sau này. Nếu cá nhân nào vi phạm ở mức phải xử lý hình sự thì xử lý hình sự, còn chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ xử phạt hành chính. Tránh trường hợp làm không nghiêm sẽ nhờn quy định, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý dư luận xã hội”.

Chuyên gia pháp lý, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng.

Trở lại câu chuyện về người phụ nữ cố thủ, trốn đi cách ly ở TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nêu quan điểm: “Hành vi của chị P.T.Q. rất phản cảm, đáng lên án, gây bức xúc cho dư luận. Không thể để 1 cá nhân thiếu ý thức làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Hoan nghênh chính quyền địa phương đã làm quyết liệt, bằng các biện pháp để cưỡng chế trường hợp này đi cách ly tập trung theo quy định.

Ngay sau đó, ngày 27/5, chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với chị Q. về hành vi trốn tránh biện pháp cách ly y tế, quy định tại điểm b khoản 1 điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP”.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ thêm: “Mới đây, Công an TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương cũng vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với 1 cá nhân về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Trước đó, cũng có các trường hợp khác bị truy tố về hành vi tương tự. Như vậy để thấy rằng, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý thích đáng.

Những trường hợp cố tình trốn khai báo, khai báo không trung thực, trốn cách ly y tế… đều đáng bị lên án. Những người này nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19, dẫn đến lây truyền bệnh cho người khác thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Hành lang pháp lý đều đã có đầy đủ và rất rõ ràng, mong rằng mọi người dân chấp hành đúng quy định của pháp luật”. 

Lực lượng chức năng phải cưỡng chế chị P.T.Q. đi cách ly tập trung.

Vị chuyên gia pháp lý cho biết: “Hiện nay, đối với những trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực hoặc trốn cách ly là do một số nguyên nhân. Thứ nhất, họ chủ quan, cho rằng “dịch bệnh chừa mình ra, không nhiễm đến mình nên kệ”. Thứ hai, họ e ngại khai báo y tế, nếu thuộc diện liên quan đến các ca F0 hoặc liên quan đến các vùng dịch thì sẽ bị những người xung quanh xa lánh. Thứ ba, họ sợ khi vào khu cách ly tập trung sẽ bị lây nhiễm chéo. Đó là vì họ chưa hiểu, thực tế, ở các khu cách ly tập trung đều được kiểm soát tốt, chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, có thể vì một số lý do cá nhân khác mà họ trốn khai báo, trốn cách ly… ". 

Tuy nhiên, chống dịch phải như chống giặc. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng thì ý thức cộng đồng vô cùng quan trọng. Một người lơ là có thể làm khổ biết bao người khác, tốn kém nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội. Hãy vì sự an toàn chung của cộng đồng, trong đó có sự an toàn của chính bản thân và gia đình mình mà thực hiện nghiêm, đúng các quy định về phòng, chống dịch”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)