Kinh tế vĩ mô

Xử lý các dự án yếu kém: Không có phương án tuyệt đối tốt

Trong số 12 dự án yếu kém thua lỗ nghìn tỷ vẫn còn 7 dự án chưa thể tháo gỡ do tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm, nhất là chưa thể giải thoát được Hợp đồng EPC.

Đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất

Trao đổi tại tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo", TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đối với các dự án yếu kém, kể cả những dự án đã xử lý xong vấn đề cơ chế, quả thực không có phương án tuyệt đối tốt, mà chỉ có phương án tối ưu.

Theo ông Dũng, vấn đề là làm sao để xử lý với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước, đem lại hiệu quả tốt nhất có thể. Vằ sắp tới có thể các dự án khác cũng theo phương án xử lý như vậy. 

Đồng quan điểm, ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho đây là một cách tiếp cận hợp lý.

“Chúng ta đều nói về từng dự án, cá thể hóa từng dự án, đánh giá kỹ từng dự án. Từ đó chúng ta phải có phương án tối ưu cho từng dự án. Cách tiếp cận đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất là hoàn toàn hợp lý”, ông Hiếu nhìn nhận. 

Ông Hiếu cũng đánh giá những dự án không có thị trường, không có khả năng thì phải tính đến những phương án như phá sản, thu hồi tài sản.

ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, những dự án yếu kém không có thị trường, không có khả năng thì phải tính đến những phương án như phá sản, thu hồi tài sản.

Qua các trao đổi của PVN, Vinachem, ông Hiếu nói rằng “cách xử lý của chúng ta đang xử lý rất thị trường. Chúng ta không thể phá vỡ được các nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp”.

Bởi, theo ông Hiếu, khi xử lý các dự án thì tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả. Thậm chí tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, phục hồi đúng sản phẩm ban đầu nếu không có thị trường. Đồng thời phải tính đến cả dài hạn.

Ngay cả sau khi khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì có thể tạo điều kiện thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án. Ông Hiếu đánh giá và nhất trí rất cao cách tiếp cận tối ưu hóa lợi ích theo cả chiều xuôi và chiều ngược, tính đến từng lợi ích cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bên có liên quan.

Tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp, không can thiệp thô bạo

Thông tin về việc xử lý 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, để quyết định đưa 5 dự án ra khỏi theo dõi của Ban Chỉ đạo, phải tính toán rất kỹ. 

Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương bàn đi bàn lại, xoay lên xoay xuống rất nhuyễn vấn đề, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các nguyên tắc và quan điểm đã nêu đều thực hiện mấy năm rồi, đến thời điểm quyết định thì thể hiện tính ưu việt cao.

“Cả 5 dự án được đưa ra đều xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp chứ không can thiệp thô bạo. Các dự án được xét trên, dưới, xuôi, ngược vẫn theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án. Đặc biệt với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, đây là quyết tâm để tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm chủ động vận hành sau khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị.

7 dự án còn lại khi nào có thể tháo gỡ?

Cũng theo ông Hùng, trong danh mục 12 dự án yếu kém ngành công thương tồn đọng nhiều năm thì đã có 5 dự án được tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn lại 7 dự án do đang còn những vấn đề nổi cộm.

Vướng mắc đầu tiên mà ông Hùng chỉ ra chính là Hợp đồng EPC (Hợp đồng nhà thầu trọn gói đối với các dự án này). Trong hợp đồng của tất cả các dự án này đang có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nội dung, bao gồm cả khối lượng, thiết bị, chủng loại thiết bị, kể cả áp dụng chính sách thuế ở Việt Nam. 

Chủ đầu tư và nhà thầu cũng đã rất quyết liệt thảo luận với nhau nhưng hiện nay vẫn chưa đi đến được thống nhất. Đây là vướng mắc nhất trong các dự án đang tồn đọng hiện nay. Mà cụ thể là dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc.

“Chưa giải thoát được Hợp đồng EPC thì doanh nghiệp chưa chủ động hoạt động được các dây chuyền và quá trình sản xuất kinh doanh của mình”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - cho biết 7 dự án còn lại gặp khó trong việc tháo gỡ bởi vướng mắc lớn từ Hợp đồng EPC và chi phí tài chính quá cao.

Vướng mắc thứ hai là vấn đề chi phí, trong đó chi phí tài chính quá cao. Ông Hùng chỉ ra, có khá nhiều dự án được đưa vào diện hỗ trợ về mặt tài chính đầu tư trong giai đoạn 2010-2015.

Tuy nhiên, giai đoạn đó lãi suất cao, quá trình thực hiện dự án bị chậm, thường là vài năm, dẫn đến lãi suất đã cao còn bị phạt, lãi mẹ đẻ lãi con nên chi phí tài chính cao. Điển hình Nhà máy Đạm Hà Bắc (dự án giai đoạn 2 mở rộng), thể hiện ưu điểm hơn giai đoạn 1 là được đầu tư nhiều năm, hiệu quả tốt hơn.

Ông Hùng cho biết, bản thân đã trực tiếp xuống khảo sát và tính toán tại nhà máy này, đánh giá cho thấy về mặt tiêu hao, bảo đảm theo báo cáo khả thi trở xuống, về mặt sử dụng lao động, cũng tiết kiệm hơn nhiều.

“Tuy nhiên, chi phí tài chính chiếm đến hơn 30%, dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường. Thời điểm hiện nay là thời điểm thị trường tốt. Xét lại 5 năm trước đây theo giá đầu vào sản xuất bằng than thì giá tăng nhiều gấp 2, 3 lần. Giá đầu ra bán tại thời điểm đó lại thấp hơn nhiều so với dự kiến báo cáo khả thi, dẫn đến lỗ tích lũy trong những năm vừa qua nhiều, kéo dài lên đến vài nghìn tỷ”, ông Hùng thông tin.

Xem thêm:

Vinachem: DAP Hải Phòng đủ điều kiện để đưa ra khỏi nhóm dự án yếu kém

PVN: Việc can thiệp để hỗ trợ các dự án yếu kém “cực kỳ khó”

5 trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương khởi sắc