Tiêu điểm

Xử lý 29 kiến nghị để Tp.HCM vượt thách thức, vững bước đi lên

Thủ tướng yêu cầu Tp.HCM phải làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, không dám làm, đi đôi với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Tránh khuynh hướng cán bộ không dám làm

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, Tp.HCM có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại; là đô thị lớn, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là cực tăng trưởng của vùng và cả nước.

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm sinh kế cho người dân; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nêu rõ, cả nước, Trung ương, Chính phủ luôn đồng hành, trách nhiệm trên tinh thần hiệu lực, hiệu quả với Tp.HCM (Ảnh: VGP).

Xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu, bất động sản, các quy định về phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch, giao đất, định giá đất; triển khai chương trình phục hồi và phát triển, kích cầu đầu tư, tiêu dùng.

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Chính phủ đã gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và đang đề xuất Quốc hội miễn giảm thuế, phí, lệ phí; Thành phố cần tổ chức thực hiện thật tốt.

Về xuất khẩu, cần cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng. Giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Thủ tướng lưu ý, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài. Trong đó, về lâu dài phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, không dám làm, đi đôi với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Thành lập ngay Tổ công tác do Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tích cực hỗ trợ Thành phố trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, mà trước hết là công tác quy hoạch.

Xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn; các giải pháp giãn nợ, hoãn nợ, giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để thúc đẩy tăng trưởng trong cả tiêu dùng và sản xuất.

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33 về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể.

Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị triển khai công tác này trên tinh thần linh hoạt, đúng luật. Đẩy mạnh thực hiện gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đặc biệt là vấn đề quy hoạch đất, giao đất.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh thực hiện gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (Ảnh: Hữu Thắng).

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời, Thủ tướng đã cho ý kiến với 29 đề xuất, kiến nghị của Thành phố, gồm 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành.

Trong đó, có các đề xuất liên quan việc mở rộng cao tốc Tp.HCM-Trung Lương, mở rộng đoạn đường cao tốc Tp.HCM-Long Thành, nguồn vật liệu phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 Tp.HCM, cơ quan tổ chức điều phối thực hiện các dự án trên toàn tuyến và rà soát, điều chỉnh hướng tuyến Đường Vành đai 4, xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Vành đai 2 (nút giao Gò Dưa) đến đường Vành đai 3 đồng bộ với đoạn tuyến đường dẫn trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, thời gian thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành-Tham Lương.

Về kiến nghị gỡ vướng cho dự án bất động sản liên quan đến các khu đất của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết Tp.HCM cần rà soát vướng mắc từng dự án trên địa bàn. Từ đó có đề xuất với bộ, ngành có ý kiến để tham mưu với Thủ tướng đề xuất giải pháp.

Ngay sau đó, Thủ tướng cho biết tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh, thành phố (Tổ công tác 153) đã có báo cáo Thủ tướng để báo cáo Bộ Chính trị về vướng mắc nói trên.

Theo Thủ tướng, đối với các dự án có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án của tòa án nhưng sau đó có những vướng mắc không giải quyết được, Chính phủ xin Bộ Chính trị chủ trương, từ đó thể chế hóa cơ chế giải quyết.

"Tinh thần không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế, chính sách giải quyết việc này để giải phóng nguồn lực. Thanh tra Chính phủ phải khẩn trương việc này với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái", Thủ tướng nói.

Về nguồn vốn mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức sắp hoàn thành phần xây dựng, ông Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông đồng thời đề nghị Thành phố xác định định mức trang thiết bị của từng bệnh viện, rà soát các thiết bị hiện có, phê duyệt dự án cụ thể để triển khai.

Thủ tướng lưu ý thêm, Thành phố cần khẩn trương giải ngân vốn đã được giao, chủ động ứng vốn, Trung ương sẽ cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ để phấn đấu hoàn thành các bệnh viện trong năm 2023. Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết đang thúc đẩy 2 dự án khu công nghiệp tập trung về dược và sinh học tại Tp.HCM và tỉnh Thái Bình.

Kết thúc cuộc làm việc, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại cuộc làm việc theo từng tháng, từng quý.