Thế giới

"Xu hướng khó đảo ngược" thách thức nền nông nghiệp

Xu hướng này khó có thể đảo ngược trong ngắn hạn, đe dọa an ninh lương thực khu vực và toàn cầu.

Một loạt các nghiên cứu được công bố từ cuối năm 2021 đến nay đã làm sáng tỏ những tác động tiềm tàng mà biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với sản xuất nông nghiệp ở Đông Á và Trung Quốc.

Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 12/2021 trên tạp chí Nature Food, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu góp phần quan trọng vào sự gia tăng đáng kể sâu bệnh hại cây trồng ở Trung Quốc từ năm 1970-2016, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) cho biết.

Bằng cách phân tích một bộ dữ liệu chưa từng được công bố trước đây về khoảng thời gian 46 năm đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng số lượng sâu bệnh hại cây trồng đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1970. Họ cũng kết luận rằng biến đổi khí hậu đóng góp trực tiếp 22% vào sự gia tăng đó.

Hơn nữa, các nhà khoa học cũng dự đoán rằng biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự gia tăng hơn 240% sâu bệnh hại cây trồng ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ này.

“Hiểu được sự thay đổi trong sâu bệnh hại cây trồng và sự xuất hiện của dịch bệnh đã trở nên cấp thiết để duy trì an ninh lương thực”, các nhà khoa học cho biết trong nghiên cứu này.

Tác động tiềm tàng của việc gia tăng sâu bệnh hại cây trồng và dịch bệnh còn vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc vì quốc gia này sản xuất 20% lượng gạo, ngũ cốc và ngô trên thế giới.

Nông dân Trung Quốc phun thuốc trừ sâu cho lúa mì. Ảnh: Asia One

Dữ liệu được phân tích trong nghiên cứu là duy nhất vì nó phá vỡ cách thức truyền thống dựa vào các thí nghiệm quy mô nhỏ để tạo ra thông tin hữu ích nhưng kích thước mẫu nhỏ.

Quy mô của dữ liệu cho phép các nhà khoa học đưa các nhà sản xuất thực phẩm quy mô lớn vào nghiên cứu.

Các yếu tố khác góp phần vào sự phát triển của sâu bệnh hại cây trồng bao gồm việc không dọn sạch rơm rạ khỏi đồng ruộng. Hành động này giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của đất, nhưng đồng thời cũng có thể góp phần làm gia tăng số lượng sâu bệnh.

Nghiên cứu này có thể phân tích dữ liệu ở mọi tỉnh ở Trung Quốc trong một khung thời gian dài hàng vài thập kỷ.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự xuất hiện của sâu bệnh hại cây trồng ở Trung Quốc, đe dọa sản xuất lương thực và an ninh lương thực toàn cầu. Điều này cũng thách thức các hệ thống bảo vệ cây trồng hiện có và năng suất tổng thể”, Christoph Müller, một tác giả của nghiên cứu và nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam ở Đức, cho biết.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nhiệt độ ban đêm ấm hơn có thể là tác động của biến đổi khí hậu. Họ đưa ra kết luận này vì nhìn thấy mối tương quan giữa các ví dụ về sâu bệnh hại cây trồng với mật độ của sương giá.

Khi nhiệt độ ban đêm liên tục tăng, số ngày có sương giá giảm xuống, tạo ra một môi trường đe dọa năng suất cây trồng.

“Với phạm vi toàn cầu của nhiều loài gây hại được xem xét, kết quả của chúng tôi có thể đóng vai trò là đại diện cho các môi trường cận nhiệt đới và ôn đới trên toàn thế giới”, các nhà khoa học cho biết trong nghiên cứu.

Xu hướng này khó có thể đảo ngược trong ngắn hạn.

Hậu quả khác của biến đổi khí hậu

NASA phát hiện ra rằng năm 2021 là năm nóng thứ sáu trong lịch sử và thuộc giai đoạn 8 năm nóng kỷ lục kể từ khi các ghi chép về mức nhiệt độ toàn cầu bắt đầu được tiến hành năm 1880.

“Không còn gì để nghi ngờ nữa, khoa học đã chứng minh biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu của thời đại chúng ta”, Bill Nelson, Tổng Giám đốc NASA, cho biết trong một tuyên bố.

“Nghiên cứu khoa học của NASA về cách Trái đất đang thay đổi và trở nên ấm hơn sẽ đưa ra định hướng cho các cộng đồng trên khắp thế giới, giúp nhân loại đối phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tàn phá của nó”, ông nhận định.

Hình ảnh từ vệ tinh Himawari (Nhật Bản) minh họa hiện tượng sông khí quyển (atmospheric river). Ảnh: ABC News

Hơn nữa, một nghiên cứu riêng biệt được công bố hôm 18/1 trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy, Đông Á sẽ dễ bị tổn thương bởi các "con sông khí quyển" (atmospheric river), hiện tượng những luồng không khí có độ ẩm cao đi xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất và có thể gây mưa cực đoan thường xuyên hơn ở các khu vực, đặc biệt là ở Đông Bắc Trung Quốc, Dãy núi Alps Nhật Bản, Bán đảo Triều Tiên và đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Nghiên cứu đó đã dự đoán "các sự kiện mưa kỷ lục, chưa từng có tiền lệ ở các khu vực của Đông Á, bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng sông khí quyển".

Yoichi Kamae, một tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Tsubuka ở Nhật Bản, cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cũng có thể áp dụng cho các vùng vĩ độ trung bình, nơi tương tác giữa các con sông khí quyển và các dãy núi dốc đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra mưa, chẳng hạn như ở phía Tây của Bắc Mỹ và châu Âu. Những khu vực này cũng có thể trải qua các hiện tượng mưa cực đoan thường xuyên hơn và dữ dội hơn khi khí hậu ấm lên”.

Ngập lụt có thể xuất hiện thường xuyên hơn, trở thành một phần của cuộc sống ở các vùng Đông Bắc châu Á. Ảnh: Asia One

Xu hướng ấm lên này trên toàn cầu là do các hoạt động của con người đã làm tăng lượng phát thải CO2 và các khí nhà kính khác vào bầu khí quyển, NASA cho biết trên trang web của mình.

Trái đất đang chứng kiến những tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu: băng ở Bắc Cực suy giảm, mực nước biển dâng cao, cháy rừng ngày càng nghiêm trọng và các mô hình di cư của động vật đang thay đổi.

Hiểu được Hành tinh Trái đất đang thay đổi như thế nào - và sự thay đổi đó diễn ra nhanh chóng như thế nào - là điều rất quan trọng để nhân loại chuẩn bị và thích nghi với một thế giới ấm áp hơn, NASA nhận định.

Minh Đức (Theo South China Morning Post, NASA website)