Dân sinh

Xót xa những cánh chuồn chuồn không màu ở làng nghề Thạch Xá

“Từ một tháng có mấy vạn chuồn chuồn làm không xuể đơn, giờ làm chỉ để đó, có khách đặt mới mang tô màu rồi gửi đi”, bà Nguyễn Thị Chi, người làng Thạch Xá chia sẻ.

Món quà độc đáo của làng quê Việt

Ghé thăm chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) những ngày giữa tháng Tư, trước mắt chúng tôi không còn là khung cảnh đông đúc, náo nhiệt người đến lễ chùa như mọi năm. Những cánh chuồn chuồn tre đủ màu sắc - một hình ảnh biểu trưng độc đáo của nơi đây cũng không còn xuất hiện nhiều.

Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Tái – một trong những hộ gia đình làm chuồn chuồn tre lâu năm và nổi tiếng nhất vùng. Thế nhưng bên trong ngôi nhà nhỏ vắng lặng, chỉ còn một người phụ nữ đang miệt mài cạo vỏ tre. Hỏi ra mới biết cả nhà đi vắng, chỉ còn bà Nguyễn Thị Chi (56 tuổi) là họ hàng của anh Tái còn ở nhà làm chuồn chuồn.

Đôi tay vẫn thoăn thoắt cạo từng lớp vỏ tre, bà Chi tâm sự: “Từ ngày có dịch Covid-19, số đơn hàng giảm hẳn. Từ một tháng mấy vạn chuồn chuồn làm không xuể đơn đặt, giờ chúng tôi chỉ làm để đó, có khách đặt mới mang ra tô màu rồi gửi đi, nhưng cũng chẳng được bằng nửa khi trước”.

Bà Chi cho biết, tre để làm chuồn chuồn phải được cạo vỏ, phơi khô rồi vót mịn.

Bà Chi chỉ là một trong nhiều người cùng tham gia làm chuồn chuồn tre tại nhà anh Tái, bởi trước kia số lượng chuồn chuồn được khách trong nước lẫn nước ngoài đặt nhiều, phải huy động cả họ hàng rồi thuê thêm nhân công mới làm kịp. Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động du lịch, kinh tế bị ảnh hưởng, nhu cầu chuồn chuồn tre do đó cũng giảm mạnh.

“Ban ngày, vợ chồng Tái phải đi làm thêm việc thời vụ, chứ không ngồi nhà làm chuồn chuồn mãi được”, bà Chi nói thêm.

Dẫu biết tình hình dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến riêng ngành nghề nào, nhưng nhìn căn nhà vắng với từng đoạn tre phơi sẵn, những cánh chuồn chuồn không màu, khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Những chú chuồn chuồn thô đợi khách đặt hàng mới được sơn màu.

Dù khó khăn là vậy nhưng khi nhắc đến những cánh chuồn chuồn tre nhà anh Tái - vốn được khen là làm khéo léo và tỉ mỉ có tiếng, bà Chi mỉm cười tự hào, rồi nhờ đứa cháu mang ra từng bao chuồn chuồn tre đủ sắc màu, vừa ngắm nghía vừa kể.

“Hơn hai chục năm làm mới được đẹp, được khéo như thế này đấy. Hồi đầu chuồn chuồn còn chẳng đứng vững, chỉ đặt nằm như món đồ trang trí, nhưng anh Tái khéo tay tìm tòi mài giũa, giờ mới đứng thăng bằng được”, bà Chi nói.

Theo lời bà Chi, thời điểm đầu làm chuồn chuồn tre có nhiều cái khó. Cái khó về tay nghề, kỹ thuật đã đành, về thẩm mỹ cũng là trở ngại lớn. Mỗi khâu như gia công chuồn chuồn thô, làm thân, làm cánh hay cân bằng phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới đạt.

Thời gian đầu, để nhuộm chuồn chuồn tre, người ta cũng chỉ dùng phẩm màu, màu sắc không đa dạng, sau này có sơn bóng, sơn màu vừa đẹp vừa mau khô, chuồn chuồn tre cũng bởi thế mà tinh xảo, bắt mắt hơn.

Chuồn chuồn tre Thạch Xá được biết đến như một hình ảnh biểu trưng độc đáo của làng quê Việt Nam.

Tự hào là vậy, nhưng nhìn đứa cháu trai vừa mang xong đồ ra ngoài lại đi vào trong nhà,  ánh mắt bà Chi buồn hẳn. Bởi, trong nhà tuy nhiều con cháu nhưng không ai chịu nối nghiệp, đứa đã dựng vợ gả chồng, đứa lại không ưng nghề này.

Bà lo rằng, có lẽ sau vợ chồng anh Tái, nhà sẽ chẳng còn ai tiếp tục đưa cánh chuồn chuồn tre bay xa nữa.

Chuồn chuồn có cánh thì bay...

Cánh chuồn chuồn tre với màu sắc rực rỡ, bắt mắt.

Tạm biệt bà Chi, chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Văn Liên (55 tuổi) – một trong hai hộ duy nhất còn giữ nghề làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá. Vợ chồng ông Liên vui vẻ đón tiếp khách, song vẫn không bỏ dở việc làm chuồn chuồn. Ông Liên luôn tay cạo vỏ tre, còn bà Đỗ Thị Xoan (52 tuổi, vợ ông Liên) thì đang lắp chỉnh thân và cánh cho chuồn chuồn.

Ông Liên cho biết, số hộ làm chuồn chuồn nay chẳng đủ đếm trên một bàn tay, tình hình dịch cũng kéo dài mãi nên ông bà không thuê người mà nhờ một vài họ hàng cũng như đám trẻ con phụ giúp.

“Trước kia còn có thêm 5 nhân công tham gia sản xuất, sau khi trừ chi phí thì thu nhập mỗi tháng còn khoảng 8-10 triệu đồng. Tuy nhiên, dịch Covid bùng phát, ngoài các khách quen và một số rất ít khách mới, đơn đặt lẻ thì khách nước ngoài hầu như là không có”, ông Liên cho hay.

Tiếp lời, bà Xoan tâm sự: “Cũng may mà có mấy đứa trẻ con nhanh nhạy. Chúng nó đăng ảnh chuồn chuồn tre lên mạng, tuy không bán được nhiều nhưng cũng có đơn đặt”.

Bà Xoan tỉ mẩn lắp chỉnh thân và cánh cho chuồn chuồn.

Không như trước kia, chỉ nhờ vào truyền miệng, tiếng lành đồn xa, để duy trì việc kinh doanh, chuồn chuồn tre cũng như các mặt hàng truyền thống khác cần chủ động tìm kiếm khách hàng, tiếp cận được các sàn thương mại điện tử. Tuy hiện tại cách thức này chỉ đem lại các đơn hàng nhỏ lẻ, nhưng cũng cho thấy các hộ gia đình làm nghề truyền thống đã tiếp cận hơn với hình thức kinh doanh hiện đại.

Bà Xoan cho biết, ngoài các mẫu mã, kích thước phổ biến, vợ chồng bà còn sáng tạo thêm những mẫu chuồn chuồn lớn, các họa tiết bắt mắt hơn để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Vợ chồng ông Liên rất vui vì bên cạnh sự giúp đỡ của con trai, dưới sự chỉ bảo của người lớn, một số cháu bé cũng yêu thích và phụ giúp công việc trang trí chuồn chuồn.

“Trẻ con tinh mắt, nhanh tay, mắt thẩm mỹ cũng tốt, nên để các cháu trang trí, tô vẽ chuồn chuồn một thời gian là đẹp hơn cả mình làm”, bà Xoan nói rồi cho biết, ngoài giờ học hay các ngày nghỉ rảnh rỗi, vợ chồng bà sẽ hướng dẫn các cháu làm chuồn chuồn tre, với hy vọng sẽ truyền được tình yêu, niềm say mê và sự tỉ mỉ của nghề này cho lớp trẻ.

Phải rất tỉ mỉ, kì công, chuồn chuồn tre mới giữ được thăng bằng.

Để cánh chuồn chuồn tre tiếp tục bay cao, bay xa, vượt qua giông bão, cần có sự nỗ lực của người dân Thạch Xá và sự hỗ trợ chính quyền địa phương.

Mong rằng việc duy trì những làng nghề như làng Thạch Xá sẽ góp phần làm đa dạng nền văn hóa dân tộc, lan tỏa sản phẩm của làng nghề Hà Nội nói riêng và nước ta nói chung không chỉ trong nước mà còn đến được với bạn bè quốc tế.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Trường Giang – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất cho biết: “Về phía chính quyền huyện Thạch Thất cũng đã kêu gọi các hộ làm chuồn tre như anh Tái, ông Liên mở các lớp dạy nghề. Đặc biệt là khuyến khích các đối tượng không làm tại các doanh nghiệp, trực tiếp lao động tại địa phương cũng như các đoàn thể để giữ gìn nghề truyền thống làm chuồn chuồn tre của Thạch Xá”.

Bài và ảnh: Phương Dung