Chat với chuyên gia

Xóa tên chồng cũ trong giấy khai sinh của con được không?

Luật Hôn nhân và Gia đình có nhiều quy định khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con sau ly hôn.

Chị Lê Ngọc Duyên (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) hỏi: Tôi và chồng đã ly hôn cách đây 1 năm. Nay tôi muốn xóa tên chồng cũ trong giấy khai sinh của con thì phải làm sao? Lý do tôi muốn xóa tên chồng cũ trong giấy khai sinh của con vì chồng cũ vướng vào tệ nạn xã hội.

Luật sư trả lời:

Khoản 1 điều 39 bộ luật Dân sự về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình ghi nhận: Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Tại khoản 1 điều 25 bộ luật Dân sự về quyền nhân thân quy định, quyền nhân thân được quy định trong bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Ngoài ra, tại luật Hôn nhân và Gia đình còn có nhiều quy định khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ sau ly hôn như sau:

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, quyền xác định cha, mẹ là quyền con người, quyền nhân thân hình thành trên mối quan hệ huyết thống, quyền này không thể chuyển giao và cũng không thể bị bác bỏ bởi bất cứ một hành động vi phạm nào từ các phía.

Pháp luật hiện nay cũng không có quy định nào cho phép việc tước quyền làm cha trên giấy tờ khai sinh. Vì vậy, bạn không thể xóa bỏ tên chồng cũ trên giấy khai sinh của con.

Tuy nhiên, trong trường hợp chồng bạn lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Nếu chồng bạn thuộc một trong các trường hợp sau:

Một là, bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Hai là, phá tán tài sản của con.

Ba là, có lối sống đồi trụy.

Bốn là, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì bạn có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha đối với con bạn theo quy định tại Điều 85, 86 luật Hôn nhân và Gia đình.

Mọi thắc mắc của bạn về các vấn đề hôn nhân, gia đình sẽ được đội ngũ chuyên gia, luật sư, bác sĩ của "Chát với chuyên gia" trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp Luật giải đáp một cách chi tiết, tận tình nhất. Hãy gửi những vấn đề của bạn cho chúng tôi theo địa chỉ mail: suachuahonnhan@nguoiduatin.vn

Hoàng Mai