Tiêu điểm thế giới

"Xịn" như Su-57 nhưng Nga "gạ" mãi mà một quốc gia không chịu mua

Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên và cũng là máy bay mạnh mẽ nhất của Nga hiện tại. Tuy nhiên, có một quốc gia đã lên tiếng "chê bai" không muốn mua.

Su-57 được coi là tiêm kích mạnh nhất của Nga.

Tiêm kích mạnh nhất của Nga

Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Nga, được thiết kế để cạnh tranh với F-22, F-35 của Mỹ và J-20 Trung Quốc. Su-57 được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar và có thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử.

Dòng tiêm kích này được giới phân tích quân sự đánh giá cao về khả năng cơ động so với các đối thủ, tuy nhiên về năng lực vẫn còn nhiều tranh cãi khi máy bay này vẫn sử dụng động cơ và radar mảng pha quét điện tử thụ động vốn dùng cho chiến đấu cơ Su-35.

Nga từng hai lần triển khai Su-57 tới Syria vào cuối năm 2018 và tháng 12/2019 để thử nghiệm tác chiến thực tế. Tiêm kích Su-57 đầu tiên trong hợp đồng 76 chiếc đã được bàn giao cho không quân Nga hồi cuối tháng 12/2020.

Được coi là niềm tự hào cùng với hệ thống phòng không S-400, Điện Kremlin vẫn tiếp tục tìm kiếm các khách hàng Su-57 tiềm năng trong tương lai, một trong số đó là đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Nga: Trung Quốc. Tuy nhiên, triển vọng về một thỏa thuận xuất khẩu Su-57 giữa Moscow và Bắc Kinh vẫn còn rất thấp vì nhiều lý do.

Các quan chức quốc phòng Nga trong nhiều năm qua đã tìm cách bán tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ 5 Su-57 cho Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF).

Giám đốc điều hành của Rostec, Viktor Kladov, đã nói về điều này tại triển lãm Hàng không và Hàng hải LIMA-2019: “Trung Quốc gần đây đã nhận 24 máy bay Su-35 và trong hai năm tới Trung Quốc có thể đưa ra quyết định mua thêm Su-35, chế tạo Su-35 ở Trung Quốc hoặc mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Đây sẽ là một cơ hội cho Su-57E”. Su-57E được cho là phiên bản xuất khẩu của Su-57 được công bố vào năm 2019.

Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nga đang chờ đợi thành công của hợp đồng xuất khẩu Su-35 với Trung Quốc để mở đường cho thương vụ Su-57 được cho là có lợi cả về mặt tài chính và địa chính trị, theo National Interest.

Trung Quốc chỉ coi Su-57 là hàng dưới tiêu chuẩn?

J-20 Trung Quốc.

Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy PLAAF quan tâm đến viễn cảnh vận hành một phi đội Su-57. Mặc dù đánh giá cao sức mạnh chiến đấu cơ của Nga nhưng có vẻ như cộng đồng quốc phòng Trung Quốc không hứng thú sở hữu tiêm kích này vì không coi Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm “thực sự”.

Như tờ Chinamil - trang tin tức tiếng Anh của quân đội Trung Quốc – từng mô tả: “Su-57 - máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga được so sánh với J-20 của Trung Quốc và F-22 của Mỹ - thường không được coi là máy bay thế hệ thứ năm thực sự vì khả năng tàng hình dưới mức tiêu chuẩn của nó”.

Một số nhà quan sát quân sự cho biết, điều này khiến Su-57 yếu thế hơn đáng kể khi so sánh với các máy bay tương tự của Trung Quốc và Mỹ.

PLAAF tương đồng về cách tiếp cận của Mỹ đối với công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, như thể hiện trong cam kết của Lockheed Martin với tiêm kích F-35 về hiệu suất tàng hình, cảm biến kết hợp và khả năng thâm nhập sâu.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc - J-20 - gần với tầm nhìn đó hơn, trong khi máy bay Nga vốn tập trung nhiều hơn vào khả năng chiếm ưu thế trên không.

Bên cạnh đó là các vấn đề về hậu cần. Ngành công nghiệp máy bay của Trung Quốc dường như đang hướng đến mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc vốn có vào máy bay nước ngoài và thậm chí một số linh kiện nước ngoài.

Nói với SCMP, một nguồn tin quân sự cho biết, PLAAF đã loại trừ khả năng mua thêm Su-35, vì họ cho rằng máy bay chiến đấu của Nga quá giống, nếu không muốn nói là còn kém hơn cả máy bay chiến đấu tấn công J-16 trong nước.

Đầu tháng này, truyền thông Trung Quốc đã vui mừng thông báo về mẫu chiến đấu cơ J-20 trước đây sử dụng động cơ AL-31F của Nga nay đã chuyển sang sử dụng động cơ nội địa WS-10C. Có vẻ như Bắc Kinh đã thể hiện rõ quan điểm không muốn mua sắm các máy bay chiến đấu tiên tiến của nước ngoài.

Nếu thực sự Trung Quốc quan tâm đến Su-57, nước này sẽ chỉ mua với số lượng ít và chỉ dành cho mục đích đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Các kỹ sư Trung Quốc rất có thể quan tâm đến đảo ngược thiết kế một số công nghệ của Su-57. Nếu không, việc đi sâu vào thiết kế của Su-57 có thể thu được kiến ​​thức kỹ thuật hữu ích cho các dự án máy bay đang thực hiện hoặc trong tương lai của Trung Quốc.