Gia đình

Xin một lần cho tôi Tết của ngày xưa

Cũng như nhiều người, tuổi thơ tôi là một vùng trời ký ức, những kỷ niệm ngây thơ, những niềm vui con trẻ sẽ theo tôi suốt cuộc đời như một nguồn động lực. Tuổi thơ tôi cũng có những tháng ngày nghĩ lại là chùng lòng, rớm lệ. Trong vùng trời bình yên và có cả giông tố đó, những cái Tết luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất…

Có một miền ký ức Tết xưa trong tôi. Nguồn ảnh minh họa: Internet.

Ông bà nội tôi mất sớm, nên từ nhỏ cho đến khi lớn lên, tôi không còn được thấy ông bà nội. Tuổi thơ tôi gắn với những kỷ niệm về ông bà ngoại. Nay ông bà ngoại tôi cũng đã về với tổ tiên, những vinh hoa và thăng trầm của một kiếp người, cuối cùng cũng trở về với cát bụi trần gian…

Từ nhỏ đến năm 18 tuổi, những cái Tết của gia đình tôi trôi qua trong nhiều cảm xúc. Đúng như câu các cụ ngày xưa hay nói: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Ở những năm 90 của thế kỷ trước, việc xúng xính áo quần mới trong dịp Tết là một niềm vui không gì diễn tả nổi.

Niềm vui con trẻ đó, còn là ký ức mẹ xắn giúp tôi tay áo, đi cho tôi đôi giày và khi rét quàng cho tôi cái khăn vào cổ. Đôi lúc trong đường đời bôn ba, gặp cơn gió lạnh rùng mình, tôi lại thèm khát bàn tay yêu thương một thuở mà mẹ dành cho mình. Ký ức tuổi thơ là những ngày lon ton theo chân bố đi chợ Tết, chọn lá dong, tìm ống  cây giang về chẻ mỏng làm lạt buộc bánh. Là việc tìm trong buồng cái nồi to nhất xóm, mang ra kỳ cọ sạch sẽ để sẵn sàng  trắng đêm luộc bánh chưng…

Song điều lớn hơn mà suốt trong những năm tháng tuổi thơ tôi học được ở bố mình, đó là sự tri ân mỗi khi Tết đến Xuân về. Vì những lý do khác nhau, gia đình tôi trải qua nhiều thăng trầm. Từ bé tôi đã biết thế nào là sự thấm thía trong câu mà bố tôi trải nghiệm từ chính cuộc đời mình: “Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm khách hữu tầm”. Là người trải qua cả vinh hoa và thấm thía sự bần hàn, bố đã cho tôi những bài học sâu sắc để vào đời. Tiếc rằng…

18 tuổi, tôi bắt đầu vào đại học, bắt đầu cuộc sống xa gia đình, nhưng như một nguyên tắc bất thành văn, bao giờ tôi nghỉ Tết về nhà, bố mới chuẩn bị một chai rượu, một gói bánh và dắt tôi đến nhà một người tôi gọi bằng ông. Ông là rể của gia đình bên ngoại, ông lấy em gái của ông ngoại tôi. Bố tôi bảo, ông là người đã giúp bố tôi, ngay cả khi ông bà ngoại tôi qua đời. Lúc đó, gia đình tôi đang làm ăn phát đạt thì bỗng lâm cảnh khó khăn… Mối ân tình đó, và những ân tình khác, bố muốn tôi phải biết để duy trì và tri ân, đặc biệt khi Tết đến, Xuân về. Tôi đã thực hiện điều đó bao năm, lúc bố tôi yếu dần, tôi tự mình thực hiện sứ mệnh đặc biệt đó.

Những cái Tết hồn nhiên trong trẻo, những cái Tết suy tư trăn trở, có cả những cái Tết ngậm ngùi nhớ về “thời vang bóng” của gia đình… đã giúp tôi đi qua những tháng năm đầy kỷ niệm.

Với tôi, ký ức Tết không chỉ có những ngày vui, nó còn là những nỗi buồn sâu kín mà chỉ ở trong hoàn cảnh đó, người ngoài cuộc mới hiểu và thấm thía. Cuộc đời đã dạy tôi nhiều bài học, nhưng những bài học làm người mà tôi học được từ gia đình mình chính là bài học về sự biết ơn. Sự tri ân với những cảm xúc không thể phai nhòa.

Có lúc tôi chỉ muốn một lần được sống lại cảm xúc của Tết ngày xưa, để lại bắt đầu một hành trình bằng nguồn động lực từ quá khứ…

Ngọc Diệp