Hồ sơ điều tra

Xét xử vụ gian lận thi cử Sơn La: Không sửa bài thi thì sợ đồng nghiệp chê trách

Bị đưa ra xét xử do là mắt xích trong vụ nâng điểm thi rúng động Sơn La, hai bị cao Nguyễn Thị Hồng Nga và Cầm Thị Bun Sọn đều khai nếu không sửa bài thi thì sợ bị đồng nghiệp chê trách.

Thương đồng nghiệp vì sửa bài thi vất vả

Ngày 16/10, phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La tiếp tục với phần xét hỏi.

Các bị cáo tại tòa.

Với nhiều năm kinh nghiệm công tác ngành giáo dục và trải qua nhiều kỳ thi quốc gia, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí) tiết lộ, chỉ có 2 cách để sửa bài thi trắc nghiệm của thí sinh.

Một là, đối chiếu đáp án để sửa từng câu. Câu nào sai tẩy đi, dùng bút chì tô lại vào ô đáp án đúng, sao cho số điểm đạt được đúng với số điểm được nhờ nâng. Hai là, tẩy toàn bộ ô tròn phần trả lời rồi tô lại phần trả lời theo đáp án đúng.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga.

Để làm được việc này, bị cáo Nga cũng đã trao đổi và được bị cáo Trần Xuân Yến đồng ý chưa cho niêm phong vội túi bài thi.

Bị cáo Nga cũng khai, trước khi thực hiện việc sửa bài thi, bị cáo không trao đổi với ai về cách sửa. Theo kinh nghiệm của những kỳ thi trước, về cách sửa bài thi chỉ có cách đấy mới làm được.

Bị cáo Nga khẳng định, vì quan hệ cấp trên cấp dưới, (cấp trên là anh Yến, chị Nhàn), cấp trên đưa không thể không làm. Ngoài ra, bị cáo không còn mục đích gì khác. Nếu không sửa bài thi thì sợ đồng nghiệp chê trách.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn.

Tiếp đến, bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng Phòng chính trị Sở GD&ĐT) khi được hỏi lại tỏ ra chia sẻ với sự vất vả của bị cáo Nga trong những ngày phải sửa bài của Sếp giao.

“Mặc dù tôi đã giúp cho 1 trường hợp tôi trực tiếp nhận, nhưng thấy đồng chí Nga vất vả nên tôi chia sẻ với đồng chí Nga, tôi đã sửa bài thi giúp”, lời bị cáo Sọn khai.

Ngày 29/6/2018, bị cáo Sọn đã giúp sửa bài thi cho 1 trường hợp. Ngày hôm sau khi được bị cáo Nga gọi đi sửa bài cho Sếp (tức là bị cáo Trần Xuân Yến), bị cáo Sọn khai còn đang chần chừ và chưa biết ý tứ sếp thế nào thì được Nga chấn an “Sếp Yến cho phép”.

Đổi tiền lấy tự do?

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, các mắt xích trong đường dây chạy điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La gồm: Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Đặng Hữu Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, tỉnh Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La và Lò Văn Huynh, trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) khai đã nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh, cụ thể:

Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận của T.V.Đ 1.040.000.000 đồng để sửa bài nâng điểm cho 4 thí sinh.

Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của H.T.T 440 triệu đồng để sửa, nâng điểm cho 1 thí sinh.

Bị cáo Lò Văn Huynh.

Lò Văn Huynh khai đã nhận của N.M.K 1 tỷ đồng để sửa, nâng điểm cho 2 thí sinh; nhận của bà L.T.T 300 triệu đồng để nâng điểm cho người nhà bà T.

Bị cáo Đặng Hữu Thủy.

Đặng Hữu Thủy khai nhận của bà N.T.K 150 triệu đồng, bà N.T.M.H 150 triệu đồng, bà N.T.X 200 triệu đồng để sửa nâng điểm giúp cho 4 thí sinh.

Cơ quan tố tụng nhận định: Hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho các thí sinh của Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ.

Song kết quả điều tra những người đưa tiền nêu trên đều không thừa nhận được thỏa thuận và đưa tiền cho Nga, Sọn, Huynh, Thủy.

Ngoài lời khai của Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền các bị can đã nộp cơ quan  điều tra, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh.

Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội nhận hối lộ. Đồng thời cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân nêu trên về các tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Số tiền 4 bị can Nga, Sọn, Huynh, Thủy nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có.