Hồ sơ điều tra

Xét xử gian lận thi cử Hà Giang: Nóng việc tiếp tục kiến nghị điều tra lại kỳ thi năm 2017

Sáng 18/10, phiên toà xét xử vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang bước sang ngày thứ 5, Luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, cựu PGĐ sở GD&ĐT Hà Giang) đã đưa ra những kiến nghị liên quan đến vụ việc.

Tại phiên toà này, tiếp tục phần tranh tụng, Luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính - cựu PGĐ sở GD&ĐT Hà Giang) yêu cầu HĐXX, kiến nghị khởi tố vụ án hình sự tại toà với dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vấn đề công tác điểm thi năm 2017.

Trước đó, tại phiên toà ngày 15/10, bị cáo Triệu Thị Chính khai đã báo cáo với ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc sở GD&ĐT) về việc năm 2017 có những dấu hiệu phạm tội trong công tác thi cử. Cũng tại toà, bản thân ông Sử thừa nhận rằng bà Chính có báo cáo sự việc này.

“Chúng tôi trân trọng đề nghị, bằng quyền năng của HĐXX ngay tức khắc giữ lại toàn bộ bài thi của năm 2017 để mở 1 cuộc điều tra toàn diện khách quan và công tâm”, luật sư Hướng nhấn mạnh.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính đề nghị điều tra kỳ thi năm 2017.

Đối với vụ án đang xét xử về vụ gian lận thi cử năm 2018, luật sư Hướng yêu cầu mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật về những dấu hiệu vật chất, đặc biệt về tiền. Không thể có chuyện nâng điểm cho hơn 100 thí sinh mà lại chỉ bằng tình cảm. Cần mở rộng điều tra xem xét toàn bộ những người thân thích của các bị cáo về các giao dịch tại ngân hàng, đặc biệt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương.

“Chúng tôi yêu cầu mở rộng điều tra, xem xét toà bộ những người thân thích con, vợ, chồng, bố mẹ, anh em ruột về các hoạt động giao dịch về tài chính, các tài khoản ngân hàng, đặc biệt là đối với bị cáo Hoài và bị cáo Lương”, Luật sư Hướng nói.

Bị cáo Triệu Thị Chính tại phiên toà.

Luật sư Hướng cũng cho rằng để đảm bảo khách quan, công bằng, nếu coi bà Chính nhờ nâng điểm, trong vụ án này có rất nhiều người nhờ nâng điểm, vậy tại sao không khởi tố những người khác. Vị luật sư này nhắc lại, theo nội dung đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa, có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 41 thí sinh nhờ nâng điểm nên đã vào các trường công an và quân đội.

Cuối cùng, luật sư kiến nghị mở một cuộc điều tra toàn diện những người như ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trong việc trả lời tin nhắn bị cáo Hoài là có mục đích gì?

Theo luật sư Hướng công bố tại phiên toàn, nội dung tài liệu tin nhắn của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài do Công an thu thập được, có một tin nhắn gửi cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý: “Em báo cáo anh 2 việc. Một, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả dữ liệu trên phần mềm quản lý ghi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD anh Sử (Vũ Văn Sử - cựu Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang - PV) giữ.

Hai, việc Lương (Vũ Trọng Lương - cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, sở GD&ĐT - PV) chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về Sở là theo Điều 296 quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội đồng thi và Trưởng ban Thư ký. Xong thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm quá, có gì anh xem giúp em”. Cũng trong nội dung thu thập được, trả lời tin nhắn trên, ông Quý nhắn lại: “OK, có gì anh bàn với anh Sử”.

Trước đó, chiều 17/10, sau khi VKS đề nghị các mức án dành cho các bị cáo, cả 5 bị cáo đều từ chối quyền tự bào chữa cho mình và cho biết “đồng ý với ý kiến của VKS”. Riêng bị cáo Triệu Thị Chính (bị cáo duy nhất mời luật sư) ủy quyền cho 3 luật sư của mình trong việc bào chữa.

Tại phiên xét xử chiều 15/10, quá bức xúc với các đồng nghiệp cấp dưới là Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Vũ Trọng Lương (cựu Phó Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), bị cáo Triệu Thị Chính sau khi được luật sư “gợi ý” đã mạnh dạn đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Hà Giang điều tra về những sai phạm (có thể) xảy ra tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Trong quá trình trả lời HĐXX, bị cáo Triệu Thị Chính luôn khẳng định mình là người chống tiêu cực, nên không có chuyện can thiệp vào việc nâng điểm thi cho các thí sinh. Nói rằng, ngay từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, báo chí và dư luận trong xã hội đã có sự nghi ngờ về tính trung thực trong việc tổ chức chấm thi ở Hà Giang do có những thí sinh điểm cao bất thường.

“Để có sự công bằng và xem xét cả một quá trình, tôi mong muốn giữ lại kết quả chấm thi năm 2017 và đề nghị HĐXX kiến nghị với Cơ quan An ninh điều tra về kỳ thi năm 2017, để xem có hay không vụ lợi vật chất. Vì không một người bình thường nào đi nâng điểm cho bằng đấy người mà không có bất kỳ vụ lợi gì”, bị cáo Chính nói.