Giáo dục

Xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp

Việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ xét thăng hạng) được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế.

Điều kiện xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp

Thông tin trên báo Chính Phủ, theo phản ánh của ông Văn Tuyên (Lào Cai), Khoản 4 Điều 17 Thông tư số 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định việc xét thăng hạng đặc cách chức danh giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo Điều 41 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp cụ thể.

Ông Tuyên nêu ví dụ: Một giảng viên trường cao đẳng, có trình độ tiến sĩ, đã được xếp chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III), mã V.09.02.03, hệ số lương 3,0; bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp ngày 15/3/2017, nhiều lần được các cấp tặng thưởng danh hiệu và khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 2020 đến nay, giảng viên này luôn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thành tích cụ thể như sau:

- Năm 2021 và 2023, được tặng Bằng khen của UBND tỉnh;

- Năm 2021-2023, liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2023, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh;

- Năm 2022: Đạt danh hiệu nhà giáo trẻ tiêu biểu của tỉnh;

- Chủ biên 1 giáo trình đào tạo; tác giả của trên 20 bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín trong nước và quốc tế;

- Chủ trì 3 đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở (1 đề tài được công nhận hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh), thành viên 1 dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh;

- Thành viên tham gia xây dựng 4 chương trình đào tạo ngành/nghề được phân công giảng dạy.

Về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng; giảng viên nêu trên đã đáp ứng đầy đủ hồ sơ, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính hạng II (mã V.09.02.02).

Theo như các thành tích, trình độ chuyên môn và hồ sơ đào tạo bồi dưỡng đầy đủ ở trên thì giảng viên này có đủ điều kiện xét đặc cách thăng hạng lên giảng viên chính hạng II (mã số V.09.02.02) hay không?

Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, giảng viên nêu trên không thuộc trường hợp xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp.

Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đều yêu cầu xét thăng hạng công bằng

Thông tin thêm trên báo Thanh Niên trước đó, trong tháng 10 vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, trong đó nêu rõ: Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 115/2020 và Nghị định số 138/2020, trong đó sửa đổi quy định theo hướng bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (giữ quy định về xét thăng hạng).

Theo Bộ Nội vụ, việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ xét thăng hạng) được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế. Các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất quy định bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải được sửa đổi đồng bộ với quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; cần thống nhất quy định về trình tự, thủ tục xét thăng hạng bảo đảm đơn giản, không quy định trong xét có thi (sát hạch, trắc nghiệm...).

Việc xét thăng hạng phải bảo đảm công bằng, không gây xáo trộn, tâm tư trong đội ngũ; giữ thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành trong việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù để bảo đảm chất lượng đội ngũ khi thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; cắt giảm chi phí tổ chức xét thăng hạng, bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính…

Về phía Bộ GD&ĐT, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng khẳng định đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này.

Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh: "Đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những GV thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật".

Trúc Chi (t/h)