Sự kiện

TP.HCM xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện người nhiễm COVID-19

TP.HCM dự kiến thực hiện 150.000 - 200.000 xét nghiệm kháng nguyên nhanh mỗi ngày nhằm tăng cường khả năng phát hiện sớm người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Ngày 4/7, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa gửi công văn khẩn số 4151/SYT-NVY đến các Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện về việc triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-COV-2 trong truy vết, tầm soát cộng đồng.

Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn thành phố, dự kiến thực hiện 150.000 - 200.000 xét nghiệm mỗi ngày (trung bình 6.000 – 8.000 mẫu/ngày/quận, huyện; riêng thành phố Thủ Đức trung bình từ 18.000 – 24.000 mẫu/ngày) nhằm tăng cường khả năng phát hiện sớm người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, cũng như đẩy nhanh tiến độ hoạt động truy vết các ổ dịch COVID-19.

Như vậy trong thời gian tới, các trường hợp F1 được phát hiện sau khi điều tra dịch tễ, truy vết từ ca F0 sẽ được thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh, đồng thời lấy mẫu đơn RT- PCR. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết qua xét nghiệm RT-PCR.

Bên cạnh đó, tại các ổ dịch trên địa bàn, các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng,… sẽ được thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ở phạm vi tổ dân phố, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty... Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, thực hiện ngay xét nghiệm mẫu đơn RT-PCR và tiếp tục điều tra yếu tố dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Việc thực hiện xét nghiệm tầm soát rộng trong cộng đồng sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều phối của Sở Y tế TP.HCM để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, nhằm đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.