Sự kiện

Xe ô tô vào nội thành TP.HCM sẽ bị thu phí?

Để kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, UBND TP.HCM đề xuất thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, bổ sung phí ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí.

Sáng 9/7, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa 9, UBND thành phố đã có Tờ trình về thực hiện trình Đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn với tổng kinh phí thực hiện gần 393.800 tỷ đồng. 

Theo UBND TP.HCM, đây là một đề án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và có nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi, đời sống hàng ngày của người dân, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND.

TP.HCM đề xuất thu phí ô tô vào nội thành

Theo VOV, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM tập trung phát triển xe buýt. Trong đó, việc thu phí ô tô vào khu vực trung tâm là cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, đồng thời tổ chức lại giao thông cho mô tô và xe gắn máy tại khu trung tâm.

Kinh phí thực hiện đề án này dự kiến lên tới 393.800 tỷ đồng, bao gồm các dự án đang triển khai thực hiện hoặc đã có chủ trương đầu tư. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 47.644 tỷ. Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA.

Trong giai đoạn 5 năm 2021-2015, Sở Giao thông Vận tải liệt kê 3 giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, thông tin trên Zing.

Để kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, TP.HCM đề xuất thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, bổ sung phí ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí; phân vùng hạn chế hoạt động của xe mô tô, gắn máy 2-3 bánh phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công công.

Các giải pháp phát triển giao thông công cộng gồm tổ chức, mở mới các tuyến xe buýt để đạt 192 tuyến, 3.100 phương tiện vào năm 2025. TP.HCM sẽ tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn, mở rộng kết nối đến các khu vực có nhu cầu đi lại lớn như các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu công nghệ cao quận 9; các tuyến kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đi Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Báo VTC dẫn lời ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án: "Chúng ta phát triển hạ tầng nhưng với xu hướng người dân ngày càng sử dụng nhiều phương tiện giao thông cá nhân mà chúng ta không có sự kiểm soát, điều chỉnh và nếu tác động thì hạ tầng có phát triển cũng không thể giải quyết vấn đề giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị.

Do vậy, Đề án này sẽ được Hội đồng nhân dân thông qua một số quan điểm và giải pháp rất quan trọng để chúng ta thực hiện quyết liệt trong thời gian tới".

Lê Lan (Tổng hợp)