Sự kiện

Xe ô tô dán đầy quảng cáo: Hành vi vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?

Xe ô tô dán đầy quảng cáo sẽ bị xử phạt lên tới 5 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ quảng cáo trên xe.

Để hiểu rõ hơn về mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm đối với những xe ô tô dán kín quảng cáo, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình (đoàn luật sư TP.HCM).

Nhiều loại hình xe ô tô dán đầy quảng cáo cần được xử lý nghiêm.

PV: Theo luật sư, những xe dán quảng cáo như thế nào sẽ được hiểu là vi phạm luật?

LS Diệp Năng Bình: Điều 32, luật Quảng cáo 2012 quy định, các xe không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo...

Như vậy, việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông. Cùng với đó, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất an toàn giao thông như che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe…

Theo khoản 2, Điều 55, luật Giao thông đường bộ 2008, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo (nhà sản xuất) hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Luật sư Diệp Năng Bình.

PV: Vậy mức phạt cụ thể đối với những trường hợp này như thế nào thưa luật sư?

LS Diệp Năng Bình: Về mức xử phạt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định các mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức là chủ xe ô tô có hành vi tự ý thay đổi hiện kết cấu xe ô tô. Cụ thể, phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với cá nhân; từ 600.000 - 800.000 đồng đối với tổ chức là đối với hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.

Nghị định 100/ 2019/NĐ-CP cũng quy định, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân; từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không đúng với giấy đăng ký xe.

Tiếp đó, Điều 61 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

PV: Luật sư có đưa ra lời khuyên gì với tài xế, chủ phương tiện để tránh tình trạng trên tiếp diễn?

LS Diệp Năng Bình: Để ngăn chặn tình trạng này, khi đăng kiểm định kỳ xe ô tô tham gia giao thông, các trung tâm đăng kiểm sẽ đánh giá về thực tế cách thức thông tin quảng cáo trên phương tiện, nếu đánh giá không đảm bảo an toàn khi phương tiện lưu thông sẽ không cấp chứng nhận kiểm định.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Trước đó, trên một số tuyến đường của TP.Hà Nội thường xuyên xuất hiện xe khách loại 45 chỗ không chở khách, được dán decal quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe hoạt động vào giờ cao điểm khiến nhiều người dân bức xúc. Trước tình trạng trên, ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị ban ATGT Hà Nội chỉ đạo lực lượng chức năng của thành phố phối hợp xác minh nội dung phản ánh trên, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, rà soát chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ô tô theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông an toàn.

 

Lê Liên - Thu Huyền