Sự kiện

Xe chở sinh viên lật trên đèo Hải Vân: Tài xế cần làm gì để hạn chế mất phanh?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, tài xế Hồng Sơn cho biết, khi xe khách đi trên đường đèo, tài xế sử dụng chân phanh quá nhiều hoặc rà phanh kéo dài sẽ làm cho hệ thống phanh bị quá nhiệt (quá nóng) gây ra hiện tượng cháy phanh...

Vụ việc xe khách chở đoàn sinh viên thực tập bị mất phanh lật trên đèo Hải Vân làm 1 nữ sinh viên tử vong cùng hàng chục sinh viên khác bị thương nặng khiến dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót.

Đặc biệt, nhiều người đưa ra bình luận về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn và kỹ năng xử lý tình huống của tài xế khi đi trên đường đèo.

Hiện trường vụ tai nạn ở đèo Hải Vân.

Cụ thể, khi làm việc với cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, tài xế Trương Anh Minh, 48 tuổi, trú tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã tường trình lại diễn biến vụ việc vào thời điểm chiếc xe khách gặp nạn.

Theo lời tài xế Minh, trong khi chiếc xe khách đang vượt xe cùng chiều trên đèo Hải Vân, bất ngờ bị mất phanh, lại gặp phải xe chạy ngược chiều. Tài xế đã cố gắng điều khiển xe vào phía trong taluy dương nhưng do đường có độ dốc lớn, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tài xế này.

Chia sẻ về kỹ năng xử lý tình huống khi lái xe, trao đổi với anh Hồng Sơn (một người có kinh nghiệm hàng chục năm lái xe khách) cho biết: “Vụ việc chiếc xe chở sinh viện rơi xuống đèo Hải Vân là nỗi mất mát to lớn và đau lòng. Khi xe khách đang xuống dốc hoặc lên dốc ở đèo, tài xế sử dụng phanh không đúng cách là một trong những yếu tố thường gặp dẫn tới mất phanh”.

Theo anh Hồng Sơn, nếu sử dụng chân phanh quá nhiều hoặc rà phanh kéo dài sẽ làm cho hệ thống phanh bị quá nhiệt (quá nóng) gây ra hiện tượng bị cháy phanh, thậm chí làm lộn cupen xylanh phanh khi đạp phanh mạnh, gấp.

Một nguyên nhân khác là khi hệ thống phanh của chiếc xe không đạt tiêu chuẩn an toàn do không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, má phanh có thể bị mòn nhiều, trơ, thiếu dầu phanh hoặc hệ thống đường ống dầu phanh bị rò rỉ làm cho phanh không hiệu quả.

Đề cập tới việc hạn chế mất phanh, anh Hồng Sơn chia sẻ: “Khi xuống dốc xe cần đảm bảo tốc độ an toàn và chọn đi ở số thấp (số 1 hoặc 2 với xe số sàn và chế độ bán tự động/số ảo với xe số tự động/vô cấp). Ngoài ra phải sử dụng chân phanh nhấp nhả nhẹ nhàng để giảm tốc, không đạp phanh kéo dài gây nóng và cháy phanh”.

Còn theo kỹ sư Lê Văn Tạch (người có kinh nghiệm nhiều năm về lĩnh vực ô tô), để hạn chế hiện tượng mất phanh, khi di chuyển trên địa hình đèo dốc, tài xế nên sử dụng động cơ để hãm tốc và hạn chế đạp phanh khi xuống dốc.

Nếu là xe số sàn, có thể để số 3 hoặc 2 khi xuống dốc. Nếu là xe số tự động, bạn nên sử dụng chế độ số bán tự động (số +/-) hoặc chế độ O/D, D1, D2. Với các xe cao cấp hơn thì đều có chế độ hỗ trợ đổ đèo. Do đó, nếu xe bạn có trang bị tính năng này thì hãy tìm hiểu thật kỹ về nó và sử dụng khi đi đường đèo, dốc.

Khi xe mất phanh, tài xế cần thật bình tĩnh, lập tức quan sát 4 phía, ước đoán độ rộng của đường và lượng xe đang lưu thông phía trước, hãy cố gắng tìm đường cứu sinh được thiết kế dành cho xe mất phanh.

Trong trường hợp không tìm được đường cứu sinh, tài xế cần phải liên tục giậm mạnh chân để ép không khí ra khỏi hệ thống dầu. Khi thấy phanh giậm sát sàn, hệ thống ABS sẽ kích hoạt. Trong nhiều trường hợp, hệ thống phanh sẽ hoạt động trở lại.

Thế Anh