Góc nhìn luật gia

Vụ xe chở du khách Việt Nam bị đánh bom ở Ai Cập, ai phải bồi thường?

Theo quy định pháp luật, Saigontourist sẽ có trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm của các du khách, có trách nhiệm liên hệ với cơ quan bảo hiểm để thực hiện các thủ tục thanh toán, chi trả tiền bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của các du khách là nạn nhân trong vụ đánh bom xe chở du khách Việt ở Ai Cập.

Liên quan đến vụ xe chở du khách Việt Nam bị đánh bom ở Ai Cập, Ths. Ls Đặng Văn Cường nêu quan điểm: Có thể nói rằng vụ việc đánh bom xe buýt chở các du khách người Việt tại Ai Cập khiến 4 người chết, nhiều người khác bị thương là một vụ khủng bố tàn bạo mà Việt Nam, Ai Cập và những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều kịch liệt phản đối.

Ths. Ls Đặng Văn Cường.

Theo luật sư Cường thì thẩm quyền điều tra, xác minh làm rõ thông tin thuộc về các cơ quan chức năng của quốc gia nước sở tại. Cảnh sát Ai Cập và lực lượng an ninh quốc gia sẽ có trách nhiệm làm rõ các đối tượng, phần tử đứng sau vụ việc khủng bố này. Đây không những là thiệt hại lớn về người và tài sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, an toàn công cộng, đến sự phát triển của du lịch và quan hệ ngoại giao đối với các quốc gia khác... Bởi vậy, Chính phủ Ai Cập sẽ làm hết mọi khả năng có thể để sớm làm rõ những đối tượng đã gây án và xử lý các đối tượng này theo quy định pháp luật.

“Nhà nước Ai Cập cũng sẽ có trách nhiệm bồi thường và hỗ trợ trước những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của các nạn nhân trên chuyến xe này theo quy định của pháp luật quốc tế và luật pháp Ai Cập. Vấn đề này cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Ai Cập sẽ có trách nhiệm cùng các gia đình nạn nhân để thực hiện các thủ tục yêu cầu bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nói.

Du khách Việt bị thương trong vụ đánh bom ở Ai Cập

Ngoài ra đối với Saigontourist sẽ có trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm của các du khách, có trách nhiệm liên hệ với cơ quan bảo hiểm để thực hiện các thủ tục thanh toán, chi trả tiền bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của các du khách là nạn nhân trong vụ đánh bom xe chở du khách Việt ở Ai Cập. Theo đó cũng sẽ phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm của các du khách, có trách nhiệm liên hệ với cơ quan bảo hiểm để thực hiện các thủ tục thanh toán, chi trả tiền bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của các du khách theo quy định của luật bảo hiểm và gói bảo hiểm mà tổ chức này đã mua cho các du khách.

Luật sư Cường cho rằng, đây là một vụ việc đáng tiếc, không may xảy ra, quyền và lợi ích hợp pháp về bồi thường thiệt hại đối với những người bị hại sẽ được các cơ quan chức năng thực hiện theo quy định pháp luật. Sự việc xảy ra ở nước ngoài nên chủ yếu áp dụng pháp luật của nước ngoài, các điều ước quốc tế và các hiệp định giữa hai nước để giải quyết. Ngoài ra, các quan hệ pháp luật về bảo hiểm, về bán tour du lịch sẽ được áp dụng bằng luật Việt Nam.

“Những thiệt hại là rất lớn không chỉ đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân mà đối với cả hai quốc gia, việc bồi thường thiệt hại chỉ bù đắp được phần nào tổn hại về vật chất, tinh thần cho người bị hại và gia đình người bị hại. Việc này cho thấy việc đấu tranh với lực lượng khủng bố là trách nhiệm toàn cầu chứ không riêng quốc gia nào, đồng thời người dân cần cân nhắc trước khi quyết định những chuyến du lịch, địa điểm du lịch sao cho đảm bảo an toàn nhất có thể”, luật sư Cường khuyến cáo.

Luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Cùng nêu quan điểm về vụ việc này, luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nếu việc khủng bố này mà xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế là áp dụng pháp luật Việt Nam thì những đối tượng đánh bom đối với xe buýt này sẽ bị xử lý về Tội khủng bố theo quy định tại điều 299 bộ luật hình sự 2015, tội danh và hình phạt được quy định như sau:

1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Như vậy nếu áp dụng theo pháp luật Việt Nam thì những đối tượng khủng bố này phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình”, luật sư Nguyễn Công Thành nói.