Sự kiện

Xe buýt, ô tô di chuyển thế nào khi thông xe cầu Thăng Long?

Cầu Thăng Long chính thức thông xe vào hôm nay (7/1) sau thời gian sửa chữa, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trên đường vành đai 3 và cầu Nhật Tân.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có phương án điều chỉnh phục hồi lộ trình các tuyến buýt sau khi thi công xong và thông xe dự án sửa chữa cầu Thăng Long vào hôm nay 7/1.

Theo đó, sở Giao thông vận tải Hà Nội chấp thuận phục hồi lộ trình và dịch vụ đối với 16 tuyến buýt bao gồm 07, 35B, 46, 53A, 53B, 56A, 58, 60B, 61, 64, 93, 95, 109, 112, CNG04 và tuyến 212 (không trợ giá) trở lại vận hành như cũ (trước sửa chữa) trên cầu Thăng Long.

Đối với đề xuất điều chỉnh lộ trình, tăng tần suất dịch vụ tuyến buýt CNG04 Kim Lũ (Sóc Sơn)-Nam Thăng Long, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội báo cáo chi tiết để Sở báo cáo thành phố.

Sở Giao thông vận tải yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội hướng dẫn các đơn vị vận hành tổ chức triển khai phương án điều chỉnh phục hồi các tuyến buýt đảm bảo vận hành an toàn; thông báo đến hành khách đi xe buýt để khách biết và lựa chọn đi lại thuận tiện; thu hồi điểm dừng, bổ sung thông tin điểm dừng xe buýt theo phương án phục hồi lộ trình các tuyến buýt sau khi thi công xong cầu Thăng Long.

Sau gần 5 tháng sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức thông xe dự án này để giảm tải cho cầu Nhật Tân và giúp lưu thông tuyến đường vành đai 3 Mai Dịch-Nam Thăng Long đã được khánh thành trong năm 2020. Phương tiện được lưu thông với tốc độ tối đa trên cầu là 80km/h.

Để bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình giao thông cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm soát tải trọng xe.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long-đường Vành đai 3, đường Võ Văn Kiệt. Vị trí đặt cân và kiểm tra tải trọng xe tại Km1+00 đường Võ Văn Kiệt (chiều đường sân bay Nội Bài đi cầu Thăng Long) xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố. Hà Nội. Công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe được thực hiện 24/7, phân thành 3 ca trực hàng ngày.

Ngay trong ngày thông xe, Tổ kiểm tra tải trọng xe sẽ tiến hành ra quân tuần tra trên các đoạn tuyến khu vực 2 đầu cầu Thăng Long, phát hiện các xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng, tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định.

Các mức xử phạt xe quá tải

Không giống như nhiều lỗi khác trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP, “ai làm nấy chịu”, đối với lỗi xe ô tô chở hàng vượt trọng tải chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm song song với người tài xế điều khiển phương tiện.

Việc xử phạt xe vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) được dựa trên giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe. Người có thẩm quyền sẽ xem xét Giấy chứng nhận này để có căn cứ ra quyết định xử phạt xe quá tải.

Mức phạt xe quá tải hiện nay được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Mức phạt với lái xe quy định tại Điều 24, mức phạt với chủ xe quy định tại Điều 30.

Mức quá tải

Mức phạt với lái xe

Mức phạt với chủ xe

10 - 30%

800.000 - 1 triệu đồng

2 - 4 triệu đồng

30 - 50%

3 - 5 triệu đồng

6 - 8 triệu đồng

50 - 100%

5 - 7 triệu đồng

14 - 16 triệu đồng

100 - 150%

7 - 8 triệu đồng

16 - 18 triệu đồng

Trên 150%

8 - 12 triệu đồng

18 - 20 triệu đồng

Lưu ý, lái xe ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 5 tháng; buộc hạ phần hàng quá tải theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm.

Mức phạt với chủ xe nêu trên là mức phạt đối với chủ xe là cá nhân. Nếu chủ xe là tổ chức mức phạt gấp đôi. Nếu chủ xe đồng thời là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo mức phạt đối với chủ xe.

Hoàng Mai