Giáo dục

Xây trường học tại khu đô thị: Chủ đầu tư xin đừng “quên” trách nhiệm!

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, để xảy ra tình trạng thiếu trường học trong khu đô thị, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các nhà quản lý.

Vô tình quên hay cố ý?

Thiếu trường học trong các khu đô thị là tình trạng phổ biến, đặc biệt là tại các thành phố lớn vốn luôn trong cảnh đất chật, người đông. Theo quy định, tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 3-5 vạn dân có 1 trường THPT. Tuy nhiên, tình trạng một số phường thuộc các quận nội thành tại các Thành phố lớn thiếu trường học vẫn đang diễn ra.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 174 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2 ha trở lên; trong đó, 119 dự án có quy hoạch 339 trường học, nhưng đến nay, mới hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng 117 trường học, chưa triển khai xây dựng 269 trường.

Thực tế, cách đây ít lâu, dư luận xôn xao trước hình ảnh hàng trăm phụ huynh đã tham gia bốc thăm để giành suất cho con vào học tập tại Trường Mầm non Hoàng Liệt năm học 2022-2023. Là quận có dân số đông nhất trong các quận, huyện tại Hà Nội, Hoàng Mai đang phải đối diện với áp lực lớn về trường, lớp cho học sinh.

Song, trên thực tế, có nhiều ô đất trong khu vực này đã được phê duyệt quy hoạch xây trường mầm non ở phường Hoàng Liệt nhưng lại bị bỏ hoang 20 năm, không được đầu tư. Khu vực này đang được giao cho Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư xây dựng 6 khu đô thị, trong đó có 86 lô đất công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, Tổng Công ty HUD mới chỉ triển khai thực hiện 53 lô, còn lại 33 lô đất chưa triển khai theo quy hoạch. Trong số các lô đất chưa triển khai có 7 lô đất theo quy hoạch sẽ được dùng để xây dựng trường học từ cấp mầm non cho đến trung học phổ thông (tổng diện tích gần 8ha).

Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp “quên” xây trường học, trên địa bàn Hà Nội, tại các dự án như Khu đô thị Ngoại Giao đoàn (Bắc Từ Liêm) do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư; Khu đô thị Cầu Bươu (Thanh Trì) do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư; Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), Khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) đều có chủ đầu tư là Tổng Công ty HUD… tình trạng thiếu trường, đất xây trường bị chủ đầu tư bỏ hoang cũng đang diễn ra tràn lan.

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề trên, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tình trạng thiếu trường học trong các khu đô thị đã diễn ra nhiều năm nay, dù thường xuyên bị người dân phản ánh nhưng vẫn không được giải quyết triệt để.

Phân tích vấn đề, ông Võ cho rằng trên địa bàn Hà Nội có nhiều dự án khi được phê duyệt luôn đi kèm đầy đủ hạng mục hạ tầng, cảnh quan, kiến trúc, giao thông, trường học, bảo đảm tỉ lệ đất và xây dựng công trình giáo dục phù hợp với quy chuẩn.

Thế nhưng, chủ đầu tư dự án chỉ chú trọng đến việc xây dựng căn hộ với mục đích kinh doanh, sinh lời mà “vô tình hoặc cố ý “quên” việc phải xây dựng công trình công cộng”.

“Việt Nam đô thị hoá có tốc độ cao nhưng chất lượng lại cực kỳ kém”, ông Võ nói.

Để xảy ra tình trạng trên, ông Võ bày tỏ trách nhiệm thuộc về các nhà quản lý khi không giám sát chặt chẽ việc chủ đầu tư có thực hiện đúng theo quy hoạch hay không, đã xây dựng đủ theo hạ tầng cam kết ban đầu hay chưa.

“Người quản lý trách nhiệm cao hơn người thực hiện, người quản lý mà mạch lạc, làm theo đúng quy tắc, quy chuẩn kỹ thuật thì nhà đầu tư không thể trốn tránh trách nhiệm. Nếu nhà đầu tư trốn tránh được, có nghĩa là nhà quản lý phải cho phép hoặc ít nhất là “bật đèn xanh” cho họ làm thiếu, làm sai”, ông Võ nói.

Vị chuyên gia cho biết, thậm chí còn xảy ra tình trạng cơ quan quản lý chấp thuận điều chỉnh quy hoạch theo mong muốn của chủ đầu tư dự án, neo theo những yêu cầu, nguyện vọng của chủ đầu tư. Từ đó dẫn đến việc quy hoạch ban đầu bị đi lệch so với định hướng cũ, các hạng mục cần thiết bị cắt xén, thay đổi chỉ để phục vụ cho nhu cầu sinh lời của chủ đầu tư.

Hạ tầng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đánh giá tình trạng thiếu trường học trong các khu đô thị liên quan trực tiếp đến vấn đề dân số. Việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số, gây ra hiện tượng quá tải cục bộ tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch cũng là một trong những yếu tố then chốt dẫn đến việc thiếu hạ tầng đặc biệt là trường học hiện nay.

Để giải quyết triệt để vấn đề trên, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng nếu như thực hiện được Luật Dân số theo chủ trương dân số phát triển, theo Nghị quyết Trung ương thì sẽ giải quyết được một số vấn đề riêng đối với trường học và nhiều vấn đề khác như vui chơi giải trí, các cơ sở xã hội, an sinh xã hội. Theo đó, cần có một đánh giá về tình hình phát triển dân số để từ đó có quy định mang tính toàn diện về dân số.

“Đồng thời, việc xây trường học phải đi từ nguyên lý của nó, quy định về quy hoạch cơ sở giáo dục cần kiểm tra lại xem quy hoạch đã phù hợp chưa về số lượng, địa điểm, quy mô đáp ứng yêu cầu người học, quy chuẩn, tiêu chuẩn thực hiện sau quy hoạch”, bà Lan bổ sung thêm.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh.

Kiến nghị phương án để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng cần rà soát lại các khu đô thị, những nơi nào thiếu hoặc chưa xây trường học thì chủ đầu tư cần phải xây dựng bổ sung. Trong trường hợp chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện cần có chế tài xử lý dứt khoát, không khoan nhượng.

Ngoài ra, ông Võ nhấn mạnh cả chủ đầu tư cùng cơ quan quản lý nên nhận biết rõ, trường học không nên được coi là sản phẩm kinh doanh mà là sản phẩm phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội. Từ đó có sự quan tâm đặc biệt đến việc đảm bảo đủ trường học phục vụ nhu cầu của người dân, không đặt nặng vấn đề sinh lời trong việc triển khai xây trường học trong các khu đô thị.

Hồng Nhung - Hoàng Bích