Tiêu điểm

Xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về đất đai trong phạm vi cả nước

Ông Nguyễn Văn Huệ cho rằng cần xác lập cơ chế tiếp cận thông tin đất đai một cách đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhằm phục vụ cho hoạt động giám sát của người dân.

Ngày 10/3, phiên họp thứ V Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra tại Nhà Quốc hội.

Góp ý về các quy định liên quan đến thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của Nhà nước, ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách, pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, cần ban hành các văn bản đồng bộ, chi tiết cụ thể hóa quy định tại khoản 10 Điều 14 của Dự thảo “Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi”.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách, pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam góp ý kiến tại phiên họp.

Đồng thời, tổ chức hiệu quả quy định này, như vậy sẽ làm tăng giá trị của đất đai vào ngân sách Nhà nước, góp phần kiềm chế, đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.

Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách, pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam cũng nêu rõ, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước.

Đồng thời, xác lập cơ chế tiếp cận thông tin đất đai một cách đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhằm phục vụ cho hoạt động giám sát của người dân. Minh bạch hóa thông tin đất đai, từ khâu quy hoạch đất đai đến hiện trạng sử dụng đất.

Đối với việc giao đất, cho thuê đất áp dụng giải pháp đấu giá cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Bên cạnh đó, cần đơn giản thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giảm chi phí và minh bạch hóa, chống lạm quyền, tham nhũng trong quá trình quản lý đất đai.

Về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần nghiên cứu bổ sung quy định rõ các lĩnh vực, nội dung, hoạt động quản lý và sử dụng đất thuộc phạm vi giám sát của Mặt trận tổ quốc, thành viên của Mặt trận tổ quốc.

Cụ thể: giám sát việc lập quy hoạch và kế hoạch; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giám sát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất; hoạt động đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giám sát thực hiện quản lý tài chính và giá đất đai, các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Quang cảnh phiên họp.

Đối với nội dung quy định liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo đã quy định và phân định rõ khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất và các trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, cũng cần quy định cụ thể về tiêu chí khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất ở khu vực bị hạn chế, làm cơ sở cho việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đây cũng là căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, về đất sử dụng đa mục đích, cần xây dựng khái niệm đất sử dụng đa mục đích đầy đủ hơn, bổ sung cụ thể thêm về “đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch cố yếu tố tâm linh..." theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

Theo đó, quy định cụ thể các loại đất có thể kết hợp mục đích sử dụng và các nội dung này trong các điều về đất sử dụng đa mục đích; đất thương mại, dịch vụ; đất ở tại nông thôn; đất nông nghiệp, đất tôn giáo.

Đảm bảo lợi ích các bên

TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho biết, đất đai có vai trò quan trọng trong nhiều mặt đối với đất nước và người dân, đáp ứng các nhu cầu ở, sống, kinh doanh, đầu tư, phát triển an ninh quốc phòng… do đó dự thảo Luật cần hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa nêu rõ thế nào là hài hòa lợi ích.

Trên thực tế, việc đảm bảo lợi ích cân bằng hoàn hảo trong cộng đồng là rất khó. Trong điều kiện không tối ưu, cần chú trọng việc bồi thường, chia sẻ thông qua các chính sách đối với các thành phần khác nhau, phối hợp nhiều công cụ khác để đảm bảo lợi ích các bên liên quan.

Xem thêm: 

 Đề nghị bổ sung quy định về giới hạn tăng tiền thuê đất hàng năm

 Cần bổ sung cách phân loại đất để phát huy nguồn lực tài chính đất đai